Đàm phán xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Trung Quốc

Từ sau Tết Nguyên Đán 2017, Trung Quốc đã thắt chặt hơn việc nhập khẩu lợn từ Việt Nam. Giá lợn giảm chạm đáy, lợn không tiêu thụ được phải nuôi cầm chừng trong các trang trại, người nuôi lợn chịu lỗ nặng, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam rơi vào cơn khủng hoảng. Trước tình trạng đó, trong tháng Năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cử một đoàn làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để đàm phán, xúc tiến thương mại để thống nhất ký kết xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng trong đó ưu tiên mặt hàng thịt lợn, sữa.

Đàm phán xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Trung Quốc - Cung cấp lợn thương phẩm cho thị trường

Cung cấp lợn thương phẩm cho thị trường. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thông tin này vừa được Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Tống Xuân Chinh cho biết tại cuộc Họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa diễn ra chiều nay (4/4), tại Hà Nội.

Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh cũng cho biết, nhìn lại trong 3 tháng đầu năm nay, giá lợn hơi trong nước biến động giảm, tại thời điểm cận Tết (giữa tháng Một), giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá thành là 26.000 – 30.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá thịt lợn đang tăng dần trở lại nhưng không nhiều, đang tiệm cận với giá thành chăn nuôi. Hiện giá lợn hơi ở Đồng Nai nhích lên khoảng 31.000-32.000 đồng/kg, tại An Giang khoảng 31.000 đồng/kg, tại Vĩnh Long khoảng 29.000 đồng/kg. Do đó phần lớn người chăn nuôi chưa dám tăng đàn vào thời điểm này.

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho biết, tuy bị thua lỗ nhưng các hộ gia trại và trang trại vẫn cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ sau khi xuất chuồng bị thua lỗ mới giảm đàn.

“Nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn giảm mạnh là do tỷ lệ tăng đàn quá nhanh khiến cung vượt cầu. Đặc biệt, do không chủ động được thị trường, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi phía Trung Quốc thắt chặt thu mua thì ngay lập tức thị trường biến động,” ông Chinh nói.

Ông Chinh cũng cho biết, trong tháng Năm tới đây, Bộ Nông nghiệp sẽ cử một đoàn công tác sang Trung Quốc để xúc tiến đầu tư, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh trong nước sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch nhằm tạo “đầu ra” ổn định hơn.

Bộ NN&PTNN có kế hoạch đàm phán xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Trung Quốc

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh việc đàm phán tiến tới xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản sang Trung Quốc. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho rằng, giải pháp lâu dài hiện nay là cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi để tránh những bất lợi về giá như thời gian qua.

“Vấn đề quy hoạch cần phải đổi mới đảm bảo quy hoạch phải giám sát được, chứ không giám sát được cứ đến lúc giá cả tăng cao thì cả nước đổ xô vào sản xuất nhưng đến lúc thị trường khó khăn, giá xuống nông dân không có lãi thì lại yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước sao không tìm thị trường,” ông Chinh chia sẻ.

Đánh giá về mặt thị trường một số mặt hàng nông sản trong quý đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cũng thừa nhận, giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp, nhất là lợn, gà (do dịch cúm) và khó khăn trong tiêu thụ. Bộ cũng đang tiếp tục cố gắng tìm biện pháp để cùng tháo gỡ khó khăn cho người nông dân.

“Trung Quốc là thị trường nông sản quan trọng của chúng ta. Chúng ta muốn quản lý minh bạch từ tiểu ngạch sang chính ngạch và liên tục đàm phán với Trung Quốc khai thông từng mặt hàng. Trước hết là gạo và những mặt hàng khác như lợn, gà. Chúng ta đang đàm phán để chính thức hóa thị trường chính ngạch nhưng việc này ko thể một sớm một chiều, yêu cầu cơ bản là hai bên phải hài hòa về thể chế để đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng hàng hóa và quan hệ thương mại phải 2 bên cùng có lợi,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo baomoi.com

>> Xem thêm: Áp dụng “công nghệ xanh” – hướng đi mới trong chăn nuôi