Bật mí kỹ thuật trồng lạc đầy đủ nhất
Cây lạc là giống cây thuộc họ đậu có xuất xứ từ Trung và Nam Mỹ được du nhập vào nước ta từ lâu. Lạc hay còn gọi là đậu phộng nhanh chóng được trồng rộng rãi và trở thành cây lấy dầu đứng đầu về diện tích, sản lượng và xuất khẩu. Cùng may3a.com tìm hiểu về kỹ thuật trồng lạc để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế và lợi nhuận cao nhất. Mời bà con tham khảo.
Nội dung bài viết
Tổng hợp kỹ thuật trồng lạc từ A-Z theo chia sẻ của chuyên gia
1. Thời vụ trồng lạc
Tùy theo vị trí địa lý để lựa chọn thời vụ trồng lạc khác nhau để đảm bảo năng suất và sản lượng thu hoạch được.
Trồng lạc vụ xuân
- Các tỉnh thuộc vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu gieo hạt lạc từ tháng 2 đến hết 10/3
- Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: gieo hạt từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2
- Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế: chỉ bắt đầu gieo trong tháng 1
Trồng lạc vụ hè thu
- Các tỉnh thuộc vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu gieo hạt lạc trong tháng 7 và tháng 8
- Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: gieo hạt trong tháng 6
- Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế: gieo trong tháng 5-6
Trồng lạc vụ thu đông
- Các tỉnh thuộc vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu gieo hạt lạc từ cuối tháng 8 -9
- Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: gieo hạt từ 15/8-15/9
- Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế: chỉ bắt đầu gieo từ 15/7-15/8
2. Đất trồng lạc
Chọn đất trồng lạc
Lạc sinh trưởng và phát triển mạnh trên các vùng đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất cát ven biển có khả năng thoát nước tốt.
Chuẩn bị đất trồng lạc
Trước khi làm đất, bà con cần phải vệ sinh đồng ruộng kĩ lưỡng bằng cách đốt tàn dư cây bệnh từ vụ trước, làm sạch cỏ dại để ngăn ngừa nguy cơ lây lan mầm bệnh cho cây trồng. Sau đó cày ải sâu từ 20 -25cm, làm cỏ và tiến hành bón vôi. Cách bón vôi cho đất được thực hiện như sau: Rải đều lượng vôi 200kg/ha lên mặt đất rồi bừa nhỏ để làm đất tơi xốp cũng như trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, nhiều lần giúp vôi hòa tan trong đất để tăng hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh.
Lên luống đất:
– Nếu nền đất dễ bị ngập úng, cần đánh chân luống rộng 75-80cm (tính cả rãnh) có độ cao 20-25cm, mặt luống rộng 45-50cm để gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống, cách mép rãnh từ 10 -15cm.
– Nếu nền đất thoát nước tốt, cần đánh chân luống rộng 1,3m (tính cả rãnh) có độ cao từ 10 -15cm, rạch 4 hàng dọc theo chiều dài luống, 2 hàng ngoài cùng cách mép ránh 10-15cm.
– Nếu đất bằng phẳng và không chủ động được nguồn nước tới, có thể lên luông rộng từ 2-3m, rạch mỗi hàng cách nhau 25cm.
– Trồng trên đất gò đồi thì lên luống, rạch hàng theo đường đồng mức với kích thước tùy theo độ dốc sao cho hợp lý nhất.
Bà con lưu ý: nếu luống rộng 2 -2,5m thì không cần che phủ nilon. Nếu luống rộng dưới 1m thì có thể che phủ nilon được.
3. Kỹ thuật trồng lạc
Giống lạc
Bà con có thể lựa chọn một số giống lạc để trồng cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn và khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt như: L14, L23, L26, L27, L18, MD7, MD9, TK 10, giống lạc sen thắt Nghệ An, GV10, HL25, LDH.01
Cách gieo hạt
Lượng hạt giống thay đổi tùy theo mùa vụ, tỉ lệ nảy mầm, giống lạc và cách chăm sóc. Cần đảm bảo mật độ trung bình từ 33 -35 cây/ mét vuông, mỗi hàng cách nhau từ 25-28cm, nếu gieo mỗi hạt một hốc thì khoảng cách các cây với nhau cần đảm bảo từ 10 -12cm; nếu gieo 2 hạt một hộc cần đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 18-20cm.
Ví dụ: nếu lạc giống có tỉ lệ nảy mầm khoảng 85%, cần 220-250kg hạt giống/ha cho vụ xuân và 170-200kg hạt giống/ha cho vụ hè thu hoặc vụ đông.
Bà con có thể gieo lạc bằng tay hoặc dùng dụng cụ gieo hạt ngô, lạc để hỗ trợ, tăng năng suất gieo hạt và giúp đảm bảo chính xác khoảng cách giữa các hàng và các cây với nhau, giảm thiểu công chăm sóc cây trồng sau này.
Có thể giao hạt lạc trực tiếp xuống đất khô mà không cần xử lý. Với đất ẩm hoặc vào vụ xuân khi tiết trời giá rét, bà con có thể thực hiện kích thích hạt lạc nảy mầm bằng cách lựa chọn hạt lạc không quá non hoặc không quá già, mập mạp, không sâu bệnh, mối mọt và ngâm trong nước ấm 40 -45 độ khoảng 10-12 tiếng rồi ủ nứt mầm và đem gieo luôn.
>> Xem thêm: Máy gieo hạt đa năng 3A
Bón phân cho cây lạc
Mỗi hecta trồng lạc cần bón từ 10 -15kg phân chuồng đã ủ hoai mục. Nếu không có phân chuồng để bón có thể sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón từ 1,5-2 tấn/ha hoặc 80-100kg đạm 46% nito kết hợp 120-150kg kali clorua 60%K2O và 500-700 kg supe lân 18% P2O5. Nếu đất phì nhiêu thì sử dụng lượng phân bón thấp nhất, đất xấu sử dụng tối đa lượng phân bón khuyến cáo.
Bón lót toàn bộ lượng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh, lân trước khi bừa đất lần cuối. Nếu có che phủ luống bằng nilon cần trộn đều đạm với kali để bón trước khi lên luống và rạch hàng. Nếu không che phủ nilon: bón một nửa lượng đạm và kali trước khi lên luống; bón thúc nốt lượng đạm và kali còn lại vào thời điểm xới đất trước khi ra hoa.
4. Chăm sóc cây lạc
Xới đất
Chỉ thực hiện nếu đất trồng lạc không che phủ nilon
– Xới đất lần 1 được thực hiện sau khi cây mọc 10 -12 ngày ở thời điểm cây có 2-3 lá thật.
– Xới đất làm cỏ lần 2: trước khi cây ra hoa, cây đã có từ 6-7 lá thật. Kết hợp bón thúc phân đạm và kali lần 2 đồng thời xới sâu xuống 5-6cm vừa để trộn đều phân, vừa làm tơi xốp đất. Lưu ý không vun gốc khi xới lần 2.
– Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc sau khi cây ra hoa từ 7-10 ngày.
Tưới nước cho cây lạc
Cách làm hạt giống nảy mầm nhanh nhất và đều nhất chính là tưới đủ nước để giữ cho đất ẩm vào thời điểm gieo hạt. Bà con cần căn cứ vào độ ẩm của đất để điều tiết lượng nước tưới sao cho phù hợp. Cần giữ ruộng đất có độ ẩm 60-65% sau 20 ngày đầu tiên kể từ lúc hạt lạc mọc mầm, giúp bộ rễ của chúng phát triển tốt hơn. Từ 20-30 ngày sau mọc, giữ đất ẩm 70-75%. Đặc biệt tại 2 giai đoạn ra hoa (cây có 6-7 lá) và tạo quả (sau hoa rộ 30 ngày) cần cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tưới nước bằng cách để nước ngập 2/3 rãnh sao cho nước ngấm đều vào luống và tháo cạn.
5. Phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây lạc
5.1 Sâu hại lạc
Sâu xám
– Triệu chứng: Phát triển mạnh ở thời tiết ẩm cao, lạnh, xuất hiện ở giai đoạn cây con và gây hại nặng nhất ở vùng đất thịt nhẹ, đất cát.
– Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng kĩ, đảm bảo tiêu diệt trứng và nhộng.
- Bắt sâu thủ công vào sáng sớm hoặc chiều tối.
- Dùng bẫy bả chua ngọt.
- Mật độ sâu hại cao sử dụng thuốc trừ sâu như: Padan 95SP; Regent 800WP… Có thể dùng thuốc đơn: Basudin 50EC; Shecpain 36EC; Gottoc 250EC hoặc phối hợp hai loại thuốc khác nhau: Diptere 80WP + Karate 2,5EC; Sevin 40% + Sherpa 25EC; Ganoi 95SP + Abamectin 36EC, Regent 800WG + Sokupi 0,36AS… Phun vào chiều tối, nên cho thêm 5 giọt nước rửa chén vào mỗi bình 8 – 12 lít để tăng khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, sâu chết nhanh, nhiều hơn. Dùng luân phiên các thuốc có hoạt chất Emamectin, Lamda-Cypermethrin với hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin.
Sâu xanh da láng
– Triệu chứng: thường gây hại mạnh vào mùa khô, tháng ít mưa hoặc ruộng thiếu nước. Chúng cắn thủng lá khiến lá bị héo rũ.
– Biện pháp phòng trừ:
- Sâu thường bị tiêu diệt bởi các loài thiên địch của sâu hại như ong, ruồi ký sinh. Do vậy, bà con hạn chế dùng thuốc trừ sâu hóa học để các loài thiên địch phát triển và tiêu diệt sâu xanh da láng.
- Sử dụng các chế phẩm nấm (như nấm lục cương, nấm bạch cương); BT và phun vào buổi chiều mát.
- Phun thuốc trừ sâu hóa học vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Khi điều tra sâu thấy sâu non mới nở hoặc còn nhỏ sống tập trung là thời điểm phun thuốc tốt nhất. Loài sâu này thường kháng thuốc mạnh khi trưởng thành, vì vậy cần sử dụng luân phiên các loại thuốc: Atabron 5EC; Cascade 5EC + Mimic 20F; Dipel 3.2WP + Cascade 5EC; Mimic 20F + SeNPV; Dipel 3.2 WP + SeNPV.
Sâu khoang
– Triệu chứng: chúng phát triển mạnh với số lượng lớn, ăn lá cây, làm cây xơ xác, thậm chí gặm vỏ quả và hoạt động mạnh vào sáng sớm, ban đêm.
– Biện pháp phòng trừ:
- Bảo tồn loài thiên địch để tiêu diệt sâu khoang tự nhiên.
- Dùng bả bẫy chua ngọt để bắt bướm.
- Dùng thuốc sinh học để tiêu diệt.
- Khi mật độ cao dùng thuốc trừ sâu Owfatox 40EC hoặc Fastac theo liều lượng trên bao bì.
Ngoài ra cây lạc thường bị các loại sâu hại khác như sâu cuốn lá, sâu xám, sâu chích hút (bọ trĩ, rệp, rầy xanh) cắn phá. Bà con sử dụng các loại thuốc phòng trừ như: thuốc trừ sâu sinh học NPVBt để phòng trừ sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá. Một số thuốc hoá học thông dụng như: Sumidicin, Alphan 5EC, Basudin, Supracide 40 NP, Owfatox …
5.2 Bệnh hại cây lạc
Bệnh héo cây con
– Triệu chứng: cây lạc bị thối đen ở cổ rễ, thối trắng ở thân khiến cây con chết rạp. Bệnh thường bùng phát mạnh trong khoảng từ 5-10 ngày sau khi gieo.
– Biện pháp phòng trừ:
- Xử lý hạt giống bằng một trong các loại thuốc: Vicarben 50 WP, Rovral 750 WP, Thiram với liều lượng 3gam/1 kg hạt giống.
- Trộn Trycoderma với phân hữu cơ trong quá trình bón lót.
- Sử dụng một trong các loại thuốc: Amistar 250SC, Validacin, Bonanza hay hỗn hợp các hoạt chất (Mandipropamid + Chlorothalonil)… phun 7 – 10 ngày/lần theo hướng dẫn trên bao bì.
Bệnh hại lá
– Triệu chứng: các bệnh đốm nâu, đốm đen và bệnh gỉ sắt là các bệnh phổ biến hại lá cây lạc.
– Biện pháp phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Daconil; Anvil; Bayleton 0,1 – 0,3% hoặc zinhep 0,2%; phun lần 1 sau mọc 40 – 45 ngày, lần 2 cách lần một 15 – 20 ngày.
Bệnh héo xanh vi khuẩn
– Triệu chứng: lá non bị héo tái sau đó toàn bộ cây héo rũ và cuối cùng là khô héo. Mặc dù héo nhưng lá vẫn có màu xanh. Nếu cắt rễ và nhúng mặt cắt vào cốc nước thủy tinh sẽ thấy dịch vi khuẩn màu trắng sữa lan ra nước và làm đục nước.
– Biện pháp phòng trừ: sử dụng thuốc hóa học không đem lại hiệu quả cao. Cách tốt nhất là luân canh cây trồng, vệ sinh sạch sẽ tàn dư của vụ trước và sử dụng giống kháng bệnh.
Bệnh mốc vàng
– Là loại nấm bệnh nhiễm vào lạc từ lúc trồng trên đồng ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.
– Biện pháp phòng trừ:
- Gieo trồng đúng vụ
- Chăm sóc và trồng lạc đúng kĩ thuật.
- Đảm bảo đủ nước tưới.
- Phơi lạc sao cho độ ẩm nhỏ hơn 10% và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
6. Thu hoạch và bảo quản lạc
Thu hoạch lạc
- Nên thu hoạch khi quả lạc già chiếm 80-85% tổng số quả trên cây là tốt nhất
- Thu hoạch vào những ngày nắng ráo
- Thu hoạch xong, nên tách quả và phơi khô luôn, tránh làm bệnh mốc vàng phát triển mạnh
- Nếu chưa tách được quả cần chặt gốc dài khoảng 20-25cm và phơi cả gốc
- Phơi đến khi nào tróc vỏ lụa khi vê lạc là được, hoặc sử dụng máy đo độ ẩm kiểm tra dưới 10% là đạt điều kiện cất trữ
Bảo quản hạt lạc
Sau khi phơi khô và sàng xảy sạch, cho lạc vào bao tải có lớp nilon và bảo quản nơi khô ráo thoáng mát. Kiểm tra thường xuyên để tránh mối, mọt, nấm mốc.
Trên đây, chúng ta vừa tìm hiểu tổng hợp trọn bộ kỹ thuật trồng lạc đầy đủ nhất. Chúc bà con nắm vững kiến thức và áp dụng vào thực tế để thu được năng suất và chất lượng nông sản cao.
Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:
Công ty CPĐT Tuấn Tú
VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869
Email: may3a.info@gmail.com
Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM
Hotline: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: https://may3a.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/
Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!
No comments yet.