Các bước xử lý khi lợn nái đẻ
Cách chăm sóc lợn nái mang thai, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau khi đẻ luôn được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm vì vai trò quyết định đến doanh thu. Để quá trình lợn nái đẻ được thuận lợi, lợn mẹ và lợn con đều khỏe mạnh, bà con cần biết các bước xử lý khi lợn nái đẻ như sau:
1. Kỹ thuật phát hiện lợn nái đẻ
1.1. Xác định thời gian lợn nái đẻ
Để xác định thời điểm lợn nái đẻ, có thể căn cứ vào lịch phối giống: Trung bình lợn nái mang thai trong vòng 114 ngày, bà con phải ghi chép lại thời gian phối giống để nắm được dự kiến ngày lợn đẻ.
1.2. Quan sát các đặc điểm của lợn nái đẻ
Trong khoảng thời gian dự kiến lợn đẻ, bà con có thể quan sát các trạng thái của cơ thể lợn nái:
– Hiện tượng làm ổ đẻ: Lợn nái trước khi đẻ thường có biểu hiện cắn ổ, tha rơm rác để làm ổ đẻ.
– Trạng thái thần kinh: Trước khi đẻ, lợn mẹ thường có biểu hiện bồn chồn, bỏ ăn và đi lại nhiều.
– Đặc điểm cơ quan sinh dục: Trước khi đẻ khoảng 1 tới 2 ngày, cơ quan sinh dục của lợn có các đặc điểm như: Âm môn phù to, nhão ra và xung huyết nhẹ, căng đầu vú, tĩnh mạch vú nổi rõ.
– Tình trạng tiết sữa đầu của lợn mẹ: Trước khi đẻ 3 ngày vú tiết ra sữa trong, trước khi đẻ 1 ngày có thể vắt được vài giọt sữa màu trắng. Nếu cặp vú trước vắt được vài giọt sữa đầu thì chỉ nửa ngày sau lợn sẽ đẻ. Nếu cặp vú sau cũng vắt được sữa đầu thì vài giờ tới lợn sẽ đẻ.
– Đối với trường hợp lợn chậm đẻ hay đẻ khó, bà con có thể tiêm Hoocmon Prostaglandin (loại có hoạt chất mạnh nhất là PGF2a) giúp gây đẻ nhân tạo và trợ sản.
2. Các bước chuẩn bị trước khi lợn nái đẻ và lợn nái nuôi con
2.1. Thức ăn cho lợn nái trước khi đẻ
Lợn nái trước khi đẻ khoảng 2 ngày sẽ có hiện tượng bỏ ăn. Bà con cần giảm khẩu phần ăn của lợn, đặc biệt là giảm thức ăn thô xanh, chú ý cung cấp đủ nước uống cho lợn chửa, vì giai đoạn này lợn rất háo nước.
2.2. Dọn chuồng trước khi lợn đẻ 3 – 4 ngày
Cần dọn vệ sinh chuồng trước khi lợn đẻ khoảng 3 – 4 ngày: Quét mạng nhện và bụi, dọn phân rác, rửa sạch nền và thành chuồng. Bà con có thể tẩy uế chuồng lợn nái bằng cách dùng nước vôi pha loãng (tỉ lệ khoảng 10%) để phun, vẩy lên nền, thành chuồng. Bà con cũng có thể sử dụng một số chất khử trùng khác nếu không có chuồng đẻ riêng, tránh cho lợn bị bỏng vôi.
Lót ổ đẻ cho lợn bằng rơm rạ, cỏ khô, mềm và sạch, đã được cắt ngắn.
2.3. Làm vệ sinh cho lợn nái
Khi lợn nái có biểu hiện sắp sinh (âm hộ xệ, đứng nằm bồn chồn, vú tiết sữa đầu), bà con cần làm vệ sinh cho lợn nái, bằng cách dùng khăn ẩm để lau sạch bầu vú và âm hộ của lợn. Đây là những vị trí mà lợn con hay tiếp xúc, cần đảm bảo vệ sinh cho lợn con.
2.4. Chuẩn bị cho lợn con sơ sinh
Chuẩn bị ổ úm cho lợn con bằng các nguyên liệu mềm, khô và sạch như rơm, cỏ khô đã cắt ngắn, bao tải, quần áo cũ…
Chuẩn bị dụng cụ sưởi ấm cho lợn con bằng bóng đèn điện, củi hoặc trấu để nhiệt độ môi trường đạt khoảng 35 độ C.
2.5. Chuẩn bị dụng cụ trực đẻ
Một tấm vải màn xô hoặc giẻ mềm khô sạch, 01 kìm bấm răng, 01 lọ cồn, 01 kéo cắt rốn, một cuộn chỉ bọc rốn, Vitamin b1, vitamin c, bơm và kim tiêm. Các dụng cụ cần được vệ sinh và sát trùng sạch sẽ.
3. Các bước xử lý khi lợn nái đẻ
Lợn mẹ thường đẻ vào chiều tối hoặc đêm, tư thế đẻ là nằm nghiêng. Lợn đẻ kéo dài khoảng 2 -3 giờ, dài hơn có thể từ 4 – 5 giờ. Chuồng đẻ cần hạn chế ánh sáng, yên tĩnh, tránh gió lùa vào mùa đông, thoáng mát vào ngày hè. Khoảng 15 – 20 phút lợn mẹ rặn đẻ được 1 lợn con.
Bà con tiến hành lau khô lợn con: Dùng vải xô mềm để lấy dịch ở mũi, miệng cho lợn con dễ thở, sau đó lau khô đầu rồi tới mình lợn giúp lưu thông máu. Bà con có thể sử dụng bột lăn để lăn lợn con, vừa có tác dụng làm sạch, giữ ấm, vừa giúp chống lại một số mầm bệnh. Lau xong bà con cho lợn con vào ô úm hoặc thúng đã được lót rơm, rạ, quần áo cũ…
Cắt rốn cho lợn con: chỉ cắt rốn đối với những lợn con có rốn quá dài. Dùng kéo hoặc dao lam đã sát trùng bằng cồn iôt, cắt rốn chừa lại 4 – 5cm, sau đó dùng bông tẩm cồn iôt chấm lên chỗ cắt để phòng nhiễm trùng rốn. Lợn nái đẻ khó có thể do một số nguyên nhân như sau: Xương chậu lợn nái hẹp nhưng lợn con lại to (trường hợp lợn chửa rất ít con), ngang thai (thai nằm ngang không thuận ngôi), lợn mẹ bị bệnh trong quá trình mang thai và quá yếu sức khi đẻ,…
Tiến hành bấm răng nanh cho lợn con: Sử dụng kìm bấm nanh chuyên dụng hoặc bấm móng tay loại to để bấm nanh cho lợn con. Lợn mới đẻ đã có 8 răng nanh khá cứng, nhọn. Bà con cần loại bỏ 8 răng này để đảm bảo không gây tổn thương lưỡi lợn con và vú lợn mẹ trong quá trình bú. Đặt kìm bấm hoặc bấm móng tay tại điểm giữa của chiều dài răng nanh, bấm dứt khoát để tránh vỡ răng, tổn thương lợi. Không bấm quá nông hoặc quá sát.
Cắt đuôi cho lợn con để hạn chế lợn tấn công nhau trong quá trình nuôi sau này. Dùng kìm bấm bấm chặt vào phần đuôi cách hậu môn 3 -4 cm, để một lúc cho máu ngừng lưu thông qua chỗ bấm. Dùng kéo cắt phần đuôi phía dưới chỗ bấm, nhúng phần đuôi vừa cắt vào chén nước sát trùng.
*Xử lý khi lợn nái đẻ khó:
Biểu hiện: Lợn nái rặn đẻ nhiều lần và chảy nước ối, thường co một chân sau nhưng không đẻ được hoặc lợn nái đã đẻ được một số con rồi nhưng ngưng đẻ trong khoảng thời gian từ 1 giờ trở lên.
Cách xử lý: Khi chưa phát hiện được nguyên nhân gây đẻ khó, bà con không nên dùng ngay thuốc kích thích đẻ (thuốc oxytocin). Xác định nguyên nhân gây khó đẻ bằng cách cách kiểm tra trực tiếp bằng tay (cắt ngắn móng tay để tránh tổn thương cho lợn mẹ, rửa tay bằng xà phòng để đảm bảo vệ sinh, thoa một ít vaseline để bôi trơn): Chụm thẳng 5 đầu ngón tay, nhẹ nhàng đưa vào qua âm hộ theo nhịp rặn đẻ. Nếu thai nằm ngang thì dùng các đầu ngón tay lần tìm ngôi đầu lợn con, nhẹ nhàng. Xoay hướng theo ngôi thuận và lôi từ từ ra ngoài theo nhịp rặn đẻ. Nếu xác định không phải là thai nằm ngang thì lúc đó mới tiêm thuốc kích thích đẻ (oxytocin) cho lợn nái. Liều tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và có thể kết hợp tiêm thuốc trợ lực B1.
*Xử lý lợn nái đẻ bọc và bị ngạt: Nếu lợn con đẻ bọc thì phải xé bọc ngay, trường hợp lợn không bị ngạt thì sau khi xé bọc tiến hành các thao tác hộ lý tiếp theo như lợn con đẻ thường. Lợn con đẻ ra bị ngạt thì tiến hành ngay hô hấp nhân tạo bằng cách thổi hơi vào mồm và day ở phần ngực. Nếu làm như trên rồi mà lợn vẫn chưa tỉnh thì thả lợn vào trong chậu nước ấm khoảng 35 độ C trong thời gian 5 – 10 phút rồi đem ra hô hấp nhân tạo, một số trường hợp có thể cứu được lợn con.
Trên đây là các bước xử lý khi lợn nái đẻ, chúc bà con có những lứa lợn khỏe mạnh và phát triển tốt!
Tổng hợp
>> Xem thêm video Máy băm nghiền thức ăn đa năng cho lợn, gà 3A2,2Kw
No comments yet.