Cách chống nóng cho vật nuôi

Vào mùa hè thời tiết oi bức, nóng nắng nhiệt độ thường lên cao 35ºC – 38ºC. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi trong chăn nuôi nhất là chăn nuôi tập trung, mật độ cao. Gia súc, gia cầm thường ăn ngủ kém, ốm yếu, sức đề kháng bị suy giảm mạnh, năng suất thịt, trứng giảm, các loại dịch bệnh như: Tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng, ecoli, phó thương hàn, viêm phổi, dịch tả, tụ huyết trùng, cầu trùng…dễ phát sinh lây lan gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Để hạn chế những ảnh hưởng xấu của nhiệt độ cao, Công ty CPĐT Tuấn Tú xin giới thiệu đến bà con một số cách chống nóng cho gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng vật nuôi như sau:

1. Chống nóng đối với gia cầm

– Chuồng trại phải thoáng mát, hướng đông nam, nên lợp mái ngói hoặc mái lá cọ, có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên), nền chuồng sạch sẽ. Nếu nuôi trên nền đệm lót nên dùng đệm lót mỏng và thay mới định kỳ. Xung quanh chuồng có phên che chống nắng, trồng cây xanh tạo bóng mát. Trong chuồng lắp đặt quạt điện, quạt hơi nước, hệ thống thông gió để thoát hơi nóng và làm mát, tránh om nhiệt trong chuồng làm gà bị xỉu, có thể bị chết.

– Nhốt gà với mật độ vừa phải:

+ gà úm: 50-60 con/m2

+ gà 0,5-1 kg: 20-30 con/m2

+ gà 2-3 kg: 7-10 con/m2.

– Nếu có vườn nên thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.

– Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống B -complex (đặc biệt là Vitamin C), chất điện giải, bổ sung vào thức ăn và nước uống chế phẩm EM. Cho vật nuôi uống đủ nước. Phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vacxin: Dịch tả, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

2. Chống nóng đối với gia súc

a. Lợn

– Chuồng trại phải đáp ứng đủ các tiêu chí áp dụng đối với chăn nuôi lợn. Mật độ nuôi nhốt với lợn nái là 3-4 con/m2, lợn thịt là 2 m2/con.

– Thức ăn cho lợn phải đầy đủ chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho các giai đoạn phát triển. Bổ sung thêm rau xanh, tăng cường khẩu phần đạm; giảm tinh bột, đường trong khẩu phần. Cung cấp đầy đủ nước uống, bổ sung thêm Vitamin C và khoáng chất để giải nhiệt.

– Tắm cho lợn 2 lần/ngày (buổi sáng thời gian từ 8-9h, buổi chiều từ 15-16h, không tắm cho lợn vào lúc trời quá nắng từ 11-14h).

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin như: phó thươn hàn cho lợn con, dịch tả, tụ huyết trùng,… để tăng khả năng miễn dịch.

Cách chống nóng cho vật nuôi

Tắm cho lợn là cách chống nóng hiệu quả

b. Trâu, bò, dê

– Nếu chăn thả thì buổi sáng đi thả sớm (6h đi, 9h về), buổi chiều chăn thả muộn (16h đi, 18h về chuồng).

– Mật độ nuôi nhốt với trâu, bò thịt: 4-5 m2/con, dê: 1,8-2m2/con. Cho uống đủ nước, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30-35 kg thức ăn thô xanh, 0,5-1 kg thức ăn tinh, 20-30g muối ăn/ ngày để đảm bảo sức khỏe tăng khả năng chống nóng, bệnh tật cho chúng.

– Đối với bò sữa nên giảm mật độ nuôi, tối thiểu 6-7m2/con. Trong những ngày nắng nóng cần tăng cường khẩu phần thức ăn xanh như rau, cỏ tươi… tăng khẩu phần giàu đạm, giảm khẩu phần tinh bột, đường. Chuyển khẩu phần thức ăn tinh vào lúc sáng sớm và chiều mát. Cần đảm bảo đủ nước sạch cho bò vì bò sữa có thể uống 30-40 lít nước/con/ngày.

– Tắm cho trâu, bò 1-2 lần/này để giảm nhiệt cho cơ thể.

Cách chống nóng cho vật nuôi

Cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh để tránh nóng.

*Sử dụng một số thức ăn giải nhiệt cho vật nuôi

Nếu cho gia súc gia cầm ăn thêm những thức ăn phòng nóng thì rất có lợi đối với việc phòng chống oi bức cho gia súc gia cầm. Có một số món ăn có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho vật nuôi gồm có:

– Vỏ dưa hấu: vỏ dưa hấu còn tươi cắt thành miếng nhỏ cho lợn ăn; vỏ dưa hấu có thể thái nhỏ cho gà ăn khoảng 50 gam/con/ngày, chia làm 3 lần, buổi trưa cho ăn riêng vỏ dưa hấu, buổi sáng và tối thì trộn lẫn vào thức ăn của chúng, có thể tăng sức kháng nhiệt cho gà.

– Dấm hoặc nước dưa chua: Cho lợn uống dấm hoặc nước dưa chua, sau một thời gian nhất định có thể khiến nhiệt độ cơ thể chúng hạ xuống, từ đó mà đạt được mục đích thanh nhiệt giải nóng cho heo. Tùy theo lợn to hay nhỏ mà cho uống nước dưa chua từ 250 – 500 ml/lần/ngày.

– Đậu trắng có tác dụng tiêu nóng, kích thích tiêu hóa, tùy vào cân nặng của heo có thể dùng 20 – 50 gam đậu trắng chế thành canh cho heo uống.

– Đậu xanh: Là sản phẩm có tác dụng phòng nóng truyền thống. Lấy một lượng đậu xanh hợp lý, cho thêm 20 lần nước, nấu nhừ rồi để lạnh, nước thì cho vật nuôi uống, đậu cho vật nuôi ăn.

Chúc bà con thành công!

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0948912688 – 0914567869 – 0916478186 

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/