Kỹ thuật nuôi thỏ thả vườn đầy đủ, chi tiết nhất
Mô hình nuôi thỏ thịt thả vườn còn khá mới mẻ nhưng vì không cầu kỳ và ít tốn kém chi phí hơn so với nuôi nhốt chuồng nên hiện nay có không ít bà con đang tìm hiểu và áp dụng. Tuy đơn giản nhưng nếu không nắm vững kiến thức, kỹ năng thì mô hình này dễ dẫn đến rủi ro, thua lỗ. Bài viết dưới đây may3a.com sẽ tổng hợp và chia sẻ toàn bộ kỹ thuật nuôi thỏ thả vườn đầy đủ chi tiết nhất để bà con tham khảo, áp dụng.
Nuôi thỏ thả vườn là hướng chăn nuôi thỏ thịt được nhiều hộ gia đình lựa chọn. Mô hình này tận dụng được vườn rộng rãi, dễ quản lý chăm sóc. Bà con không cần tốn kém chi phí xây chuồng trại, nhân công chăm sóc. Mặt khác nguồn thức ăn của thỏ phong phú, dễ kiếm, rẻ tiền, thời gian chăm sóc mỗi lứa chỉ từ 3 – 4 tháng là có thể xuất bán. Thịt thỏ xuất bán thơm ngon, săn chắc , ít cạnh tranh với các gia súc khác. Dưới đây sẽ là những kỹ thuật quan trọng dành cho bà con.
Nội dung bài viết
Chọn giống thỏ thả vườn
Yêu cầu chọn giống thỏ:Để mô hình nuôi thỏ thả vườn đạt hiệu quả cao, bà con chỉ nên chọn giống tốt để nuôi. Yêu cầu về giống thỏ tốt như sau:
– Lý lịch: Nên chọn những con có lý lịch rõ ràng, không đồng huyết.
– Chọn mua giống ở cơ sở uy tín, có thương hiệu, có tín nhiệm lâu năm với khách hàng. Bà con không nên mua thỏ bán trôi nổi ngoài đường ngoài chợ, tại các cửa hàng bán chim thú…
– Sức khỏe: Chọn giống không bệnh tật, có sức đề kháng cao, ngoại hình khỏe, hiếu động, vành tai sạch sẽ, không bị ghẻ lở hoặc sứt hình răng cưa, chân đi cứng cáp, mắt trong, lanh lợi, bàn chân trước và kẽ các ngón chân không tróc lở vì bị ghẻ, lông mịn mượt, bụng mềm, lông bụng xốp, đuôi sạch sẽ, khô ráo không có dấu hiệu bị dính phân ướt do tiêu chảy, phân phải ở dạng viên to tròn khô, chọn những con thỏ phàm ăn,…
– Loại bỏ những con có dấu hiệu bị bệnh: Dáng đi ủ rũ, tai cụp, lông xù hoặc lông bị rụng từng mảng, lười hoạt động, biếng ăn, có dấu hiệu nghiến răng, nước miếng chảy thành sợi, hơi thở nặng nhọc, đi khập khiễng, bàn chân trước có các ngón sần sùi và cứng đơ do bị ghẻ, không ngủ…
Các giống thỏ ở Việt Nam nên nuôi thả vườn:
– Thỏ Newzealand trắng:
Đây là giống thỏ cho năng suất cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nên thích hợp với mô hình nuôi thả vườn. Thỏ trưởng thành có thể đạt trọng lượng khoảng từ 4,5 – 5kg/con.
– Thỏ Californian:
Giống thỏ này được lai tạo tại Mỹ cho sản lượng thịt có chất lượng cao, mang đến nhiều lợi tức cho người chăn nuôi thương phẩm. Thỏ trưởng thành có thể đạt từ 4 – 4,5kg/con, tỷ lệ thịt xẻ từ 55 – 58%.
– Thỏ nhỏ Việt Nam:
Đây là giống thỏ được du nhập từ Pháp, lai tạo từ nhiều giống khác nhau. Giống này có tầm vóc nhỏ, trọng lượng chỉ từ 2,6 – 3,2kg/con.
– Nhóm thỏ lai:
Nhóm thỏ lai được lai tạo từ các dòng ngoại nhập với thỏ địa phương ở vùng ĐBSCL nên có màu lông đa dạng. Thỏ nuôi lấy thịt từ 4 – 4,5 tháng có thể đạt trọng lượng khoảng 2,2 – 2,4kg/con.
Cách chăm sóc thỏ thả vườn
Mô hình nuôi thỏ thịt này có ưu điểm là không cần chuẩn bị chuồng nuôi cầu kỳ như nuôi nhốt chuồng, tuy nhiên khâu chăm sóc cần tỉ mỉ, chu đáo để tránh thất thoát, đồng thời giúp đàn thỏ nuôi nhanh lớn, chất lượng thịt đảm bảo.
Vườn nuôi:
Trước tiên, phải tạo một nơi trú ẩn cho thỏ, có thể làm một chuồng nhỏ để tập trung thỏ hoặc dùng thân cây hoặc một số vật liệu khác quay ngay trong vườn nuôi.
Xung quanh vườn nuôi thỏ dùng lưới B40 quây cao khoảng 1,8m – 2m, từ dưới chân lên đến 1,5m nên quây bạt kín, phần chân cần dập đất chắc chắn để thỏ không đào hang chui ra ngoài và tránh được kẻ địch gây hại như: chồn, cáo, chăn, rắn, chim, chó, mèo, chuột…
Trong vườn nuôi có kết hợp trồng một số loại cây cho thỏ ăn như dây lang, cỏ… Phân thải từ thỏ sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho đất đai và cây trồng, bà con có thể tiết kiệm được một khoản chi phí thức ăn cho chúng.
Bên trong vườn bố trí máng ăn, máng uống, số lượng máng sẽ phụ thuộc vào số lượng thỏ trong đàn nuôi. Có thể mua sẵn các loại máng bán trên thị trường.
Vườn nuôi nên gần nhà để tiện chăm sóc quản lý. Nên nuôi thêm chó xung quanh để bảo vệ và tiêu diệt một số vật gây hại, kẻ trộm.
Sau mỗi lứa nuôi, vườn nuôi phải có thời gian nghỉ ngơi khoảng 1 – 2 tháng để cải tạo lại đất nuôi và trồng cây cỏ mới.
Chăm sóc:
Khi mua giống, bà con nên hỏi chủ cơ sở đã tiêm phòng cho thỏ chưa, nếu như chưa tiêm thì cần tiêm chủng ngừa các bệnh như cầu trùng, ghẻ lở… trước khi thả ra vườn để tăng sức đề kháng cho thỏ con.
Chỉ nên thả thỏ ra vườn vào những ngày thời tiết khô ráo, thoáng đáng.
Thức ăn cho thỏ thả vườn
Kỹ thuật nuôi thỏ thịt là phải đảm bảo thỏ có tốc độ trưởng nhanh, ít hao phí thức ăn nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng thịt tốt. Để mô hình nuôi thỏ thả vườn đạt hiệu quả cao, bà con càng cần bổ sung đầy đủ nguồn dinh dưỡng.
Về cơ bản, thỏ dễ nuôi và được nuôi phổ biến trên thế giới vì chúng ăn được rất nhiều loại lá, cỏ, củ quả… không thua kém gì so với dê. Trong đó, nguồn thức ăn chính của chúng là thô xanh dễ kiếm, dễ trồng, có sẵn trong tự nhiên, ít tốn kém chi phí.
Bà con tham khảo khẩu phần thức ăn dành cho thỏ thịt:
Cỡ thỏ | Các loại thức ăn (g/con/ngày) | |||
Thức ăn hỗn hợp | Thức ăn thô xanh | Củ quả | Thức ăn bổ sung khác | |
0,5 – 1kg | 20 – 30 | 60 – 130 | 20 – 45 | 10 – 15 |
1 – 2kg | 70 – 120 | 200 – 300 | 25 – 50 | 25 – 35 |
2 – 3kg | 120 – 150 | 300 – 400 | 70 – 100 | 30 – 40 |
– Nhóm thức ăn xanh:
Cỏ mọc tự nhiên và cỏ trồng như cỏ vừng, cỏ chỉ, cỏ tranh, cỏ lông, cỏ lông para, cỏ gigantea, cỏ ruzi, cỏ stylo, cỏ voi (vốn là giống cỏ thân cứng).
Các loại lá cây như: rau lang, rau muống, lá và thân cây họ đậu, lá vông, lá chuối, lá mít, lá tre.
Tóm lại, do thỏ có bộ răng cửa rất cứng và sắc bén nên trâu, bò, dê, ngựa ăn được cỏ gì thì thỏ cũng ăn được.
Ngoài ra, thỏ con có nhóm thức ăn củ quả rất quan trọng: cà rốt, su hào, sọ đũa, điên điển, khoai lang, củ cải, chuối chín, bí đỏ, lê, táo… (trừ các loại củ quả bị thối, nảy mầm).
Nhóm thức ăn tươi xanh cần được xử lý trước khi cho thỏ ăn, đặc biệt là các loại cỏ thân cứng. Bà con có thể dùng máy băm cỏ để băm nhỏ thành từng đoạn từ 5 – 7cm cho vào máng ăn của chúng. Như vậy, chúng sẽ ăn hết thức ăn thay vì chỉ ăn lá non, bỏ thân già, tránh lãng phí.
– Nhóm thức ăn giàu tinh bột:
Gồm các loại thức ăn có nguồn gốc từ các loại hạt ngũ cốc. Tuy nhiên đây chỉ nên coi là thức ăn bổ sung hàng ngày. bà con có thể sử dụng hạt ngũ cốc đem nghiền nhỏ sau đó phối trộn với nhau và với chế phẩm sinh học để đem ép thành cám viên cho thỏ ăn hàng ngày. Hiện Công ty CPĐT Tuấn Tú có cung cấp đa dạng các loại máy ép cám viên cho bà con lựa chọn.
Video sử dụng máy ép cám viên trục đứng 3A3Kw
Cám viên tự làm vừa an toàn, sạch sẽ lại chứa đầy đủ chất dinh dưỡng có thể thay thế được cám viên công nghiệp mua ngoài thị trường, nhờ vậy bà con sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí chăn nuôi mà đàn thỏ vẫn nhanh lớn.
– Nhóm thức ăn bổ sung đạm:
Gồm bột cá, bột thịt, các loại bánh dầu đậu nành, đậu xanh, bánh dầu dừa, bánh dầu bông vải, đậu phộng, bã bia, bã đậu nành… Bà con có thể thu mua từ các cơ sở chế biến với mức giá khá rẻ.
Nhóm thức ăn bổ sung đạm này chỉ nên phối trộn với các loại thức ăn khác, không cho ăn riêng.
– Nhóm thức ăn khô:
Bao gồm rơm khô, các loại cỏ, lá tươi xanh đã qua xử lý để làm nguồn thức ăn dự trữ cho thỏ vào mùa đông, mưa gió.
Ngoài thức ăn, hàng ngày bà con phải cung cấp đủ nước uống cho thỏ. Nếu thỏ ăn nhiều thức ăn tươi xanh thì chúng không cần uống quá nhiều nước. Nhưng nếu ăn thức ăn khô và hỗn hợp thì nhu cầu nước cao, nếu chúng nhịn khát 1 ngày thì cơ thể đã hốc hác, qua đến ngày thứ 2 sẽ kiệt sức dần mà chết. Thỏ vỗ béo cần trung bình từ 0,2 – 0,5 lít nước/ngày.
Nguồn nước: nước máy, nước giếng, nước mưa… Nhìn chung nguồn nước phải sạch sẽ, nếu để qua đêm mà chúng không uống hết thì phải đổ đi và cọ rửa máng uống nước.
Chỉ cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh để chúng nghịch làm ướt rất dễ sinh bệnh.
Một số kinh nghiệm cần lưu ý
Một số kinh nghiệm nuôi thỏ thịt theo mô hình thả vườn bà con cần lưu ý:
- Bà con vẫn nên làm một chuồng nhỏ, cao khỏi nền đất khoảng 20 – 30cm để nhốt thỏ thời điểm trời mưa, thời tiết thất thường (vì thỏ ưa khô ráo, sạch sẽ, nếu bị dính nước, ẩm ướt chúng sẽ bị bệnh, nhanh chết).
- Thỏ nuôi khoảng 3 tháng có thể sẽ có dấu hiệu phát dục, lúc này cần phải xuất bán nhanh. Nếu chưa bán được hết thì tách riêng con đực và con cái, đồng thời tiêm phòng và thắt tinh hoàn của thỏ đực tránh để thỏ giao phối.
- Thỏ rất mắn đẻ. Một số trường hợp thỏ chưa được xuất bán kịp thời dẫn đến hiện tượng giao phối và thụ thai, lúc này, cách nhận biết thỏ có thai là bắt thỏ cái lên trước mặt, dùng tay phải nắm lỗ tai và vai, dùng tay trái đặt giữa 2 chân sau và chân trước vùng xương chậu, lướt nhẹ từ trước ra sau nếu thấy 1 cục tròn nhỏ thì thỏ đang mang thai. Lúc này bà con cũng có thể giữ lại, tìm hiểu thêm các kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản để lai tạo giống cho lứa thả vườn tiếp theo.
- Ánh sáng quá nhiều cũng sẽ không tốt cho thỏ, do đó bà con nên trồng một số cây cao lâu năm xung quanh vườn nuôi để tạo bóng mát. Đồng thời bóng mát sẽ làm giảm nhiệt độ oi bức vào mùa hè, vì nhiệt độ quá cao sẽ khiến chúng bị xáo trộn sinh lý, biếng ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng.
- Gió lùa cũng khiến thỏ bị cảm lạnh mà chết, nên khi có gió lùa (mùa đông) bà con nên nhốt thỏ vào chuồng.
- Nên cho thỏ ăn theo bữa: sáng, trưa, chiều, tối. Ngoài thời gian đó thì cho chúng gặm nhấp cỏ cây trong vườn.
- Không nên cho thỏ ăn dưa leo, cà chua, đậu ve, cải bắp dễ khiến chúng bị ngộ độc.
- Với mô hình nuôi thỏ thịt thả vườn, bà con phải chủ động nguồn thức ăn, ủ chua là phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện nhất.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho thỏ, đặc biệt với mô hình thả vườn.
- Bản tính của thỏ vừa hiền vừa nhát nên khi nuôi thả vườn có kẻ địch xâm nhập, chúng chỉ nhanh chân chạy thoát. Đặc biệt, chó và mèo được coi là “kẻ thù không đội trời chung”, do đó bà con cần có biện pháp quản lý chặt chẽ.
Một số bệnh thường gặp ở thỏ
Trong kỹ thuật nuôi thỏ, kể cả thả vườn hay nhốt chuồng, bà con cũng cần có kiến thức, kỹ năng để nhận biết thỏ bị bệnh và có phương án điều trị kịp thời.
Thỏ tuy ăn ở sạch sẽ nhưng lại nhạy cảm với môi trường, thời tiết xung quanh. Một số cách phòng bệnh cho chúng:
- Vườn nuôi phải sạch sẽ, ấm áp, thoáng mát.
- Nguồn thức ăn sạch sẽ, giàu dinh dưỡng. Không dùng thức ăn ôi thiu, ẩm mốc, mọc mầm sẽ khiến chúng bị ngộ độc.
- Khi phát hiện thỏ bị bệnh cần cách ly và chữa trị.
Bệnh ở thỏ và cách điều trị
Bệnh cầu trùng:
Nguyên nhân: Do ký sinh trùng Eimeria Stiedae ở gan và ruột thỏ gây ra. Bệnh này lây lan nhanh có thể khiến thỏ chết hàng loạt. Bệnh cầu trùng có thể lây lan qua thức ăn nước uống.
Phòng, trị bệnh: Bệnh này thường xảy ra ở thỏ con, do đó khi mua về bà con cần tiêm phòng (nếu như trước đó chưa được tiêm) và nuôi cách ly một thời gian ngắn. Khi nuôi, không cho ăn thức ăn ôi thiu, ẩm mốc. Thỏ bị bệnh phát hiện sớm có thể điều trị với thuốc Trimethoprim – sulfa.
Bệnh xuất huyết:
Nguyên nhân: Bệnh này cũng do một loại virus tương tự loại calicivirus gây ra. Bệnh này lây lan từ thỏ sang thỏ có thể khiến cả vườn nuôi bị chết hàng loạt. Biệt hiện rõ nhất là biếng ăn, kiệt sức, chảy máu mũi dẫn đến chết.
Phòng, trị bệnh:Trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Bà con cần có biện pháp phòng bệnh, phát hiện kịp thời để cách ly, tiêu hủy.
Bệnh ghẻ:
Nguyên nhân: Là bệnh thường gặp và lây lan nhanh, khi thỏ bị cùi hủi thì rất khó trị, lâu dần sẽ khiến chúng bị chết hàng loạt.Nguyên nhân do loại ký sinh là ve Cuniculi chui rúc trong tai thỏ gây ra. Loại ký sinh này sinh sôi và nảy nở rất nhanh, đặc biệt khi lông thỏ bị ướt. Chúng sẽ bám chặt vào gốc lông ở tai và vành tai, kẽ chân khoét sâu vào da hút máu. Ban đầu, chúng tạo thành đám vảy nhỏ sần sùi bên ngoài bề mặt da, khi vết ghẻ lan dần thỏ sẽ trụi lông.
Phòng, điều trị: Thường xuyên quan sát thỏ, giữ cho vườn nuôi khô ráo, thoáng mát. Khi thỏ bị bệnh cần cách ly để điều trị.Phương pháp dân gian: dùng bàn chải đánh răng để cọ xát vào vết ghẻ cho tróc ra, sau đó sát trùng liên tục từ 5 – 7 ngày. Có thể sử dụng bột lưu huỳnh trộn với nhớt máy để bôi lên vết ghẻ sau khi đã được xát bong tróc.
Bệnh tiêu chảy:
Nguyên nhân: Bệnh tiêu chảy do khuẩn Escherichia coli gây ra. hoặc do môi trường sống ô nhiễm, bẩn. Là bệnh thường gặp ở thỏ, nhưng khi phát hiện thì bệnh đã nặng, khó trị. Nguyên nhân có thể do thức ăn, khẩu phần thức ăn thiểu hẳn chất xơ hoặc quá nhiều chất dinh dưỡng.
Phòng, trị bệnh:Các phòng bệnh là giữ vệ sinh vườn nuôi, không nên thay đổi khẩu phần thức ăn đột ngột, cần bằng giữa thức ăn thô xanh và thức ăn bổ sung, chú ý thức ăn thô xanh vẫn chiếm vị trí quan trọng. Bà con không nên nóng vội vỗ béo thỏ thịt bằng cách cho ăn quá nhiều thức ăn hỗn hợp, đó là cách gián tiếp giết chết chúng. Khi thỏ bị bệnh, có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy ở thỏ.
Hy vọng kỹ thuật nuôi thỏ thả vườn mà may3a.com chia sẻ trên đây sẽ giúp bà con có kiến thức, kỹ năng để bắt tay vào chăn nuôi cho hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro. Chúc bà con thành công.
Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:
Công ty CPĐT Tuấn Tú
VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869
Email: may3a.info@gmail.com
Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM
Hotline: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: https://may3a.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/
Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!
No comments yet.