Ưu đãi vay vốn trồng rừng và chăn nuôi với lãi suất 1,2% một năm
Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ban hành hướng dẫn nghiệp vụ cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi được quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, mức cho cho vay trồng rừng sản xuất tối đa là 15 triệu đồng/ha. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay thỏa thuận phù hợp với thiết kế – dự toán trồng rừng được phê duyệt sau khi trừ đi số tiền được ngân sách hỗ trợ quy định tại Điều 5 của Nghị định 75/2015/NĐ-CP.
Cho vay phát triển chăn nuôi, mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ gia đình. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay thỏa thuận phù hợp với nhu cầu vốn cần thiết cho việc đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác của người vay.
Cũng theo hướng dẫn này, trường hợp người vay đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để sử dụng vào việc trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ hoặc chăn nuôi trâu, bò, gia súc trên diện tích được giao đất, giao rừng trước khi có văn bản hướng dẫn số 4288, nếu có nhu cầu vay vốn theo hướng dẫn tại văn bản này thì Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phần còn lại nhưng dư nợ cũ và mới không vượt quá 15 triệu đồng/ha đất trồng rừng và không vượt quá 50 triệu đồng/hộ đối với phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác.
Lãi suất cho vay 0,1%/tháng (1,2%/năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay 0,13%/tháng (1,56%/năm). Thời hạn cho vay đối với trồng rừng sản xuất tối đa là 20 năm; cho vay chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác tối đa là 10 năm.
Đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi, có thực hiện hoạt động trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất.
Đối tượng được vay vốn chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, gồm: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng./.
Theo báo http://www.vietnamplus.vn/
No comments yet.