Một số bệnh thường gặp ở dê nên biết

Dê là loài gia súc dễ nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhằm giúp bà con chăn nuôi dê hiệu quả, chúng tôi xin giới thiệu các phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở dê như sau:

1. Phòng tránh và điều trị các bệnh ký sinh trùng

Dê có thể mắc các loại bệnh nội ký sinh (bệnh cầu trùng, bệnh giun đũa, bệnh sán dây, bệnh sán lá gan, bệnh giun phổi…) và các loại bệnh ký sinh (ve, gẻ, rận…)

Để phòng tránh các bệnh ký sinh trùng, bà con cần lưu ý:

– Giữ vệ sinh chuồng nuôi, đảm bảo chuồng nuôi luôn được khô ráo, sạch sẽ. Nên làm vệ sinh định kỳ, mỗi tuần quét dọn phân trên nền chuồng và rắc vôi bột tẩy uế một lần.

– Các bệnh nội ký sinh thường mắc phải qua đường tiêu hóa, do đó bà con cần cung cấp thức ăn đầy đủ, chất lượng tốt, nước uống sạch sẽ. Tránh dùng các loại thức ăn ôi thiu, ẩm, mốc. 

Điều trị cho dê:

+ Đối với bệnh giun sán: Bệnh khiến dê thể lực yếu kém, thiếu máu nên dê xù lông, còi cọc, uể oải, biếng ăn, đau vùng bụng. Để phòng tránh bệnh giun sán, bà con nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Bà con có thể dùng levamisol, niclosamide, tetrasol, benzomidazole để tẩy giun đũa cho đàn dê. Trong trường hợp dê bị sán dây, bà con có thể sử dụng niclo-samide để diệt sán.

+ Đối với bệnh do ghẻ: Do mất máu nên dê ốm còm, xù lông, ngứa ngáy. Bà con cần tách những con bị bệnh ra khỏi đàn, cắt lông chỗ bị ghẻ, cạo sạch vẩy mụn và bôi Cythion 5% hoặc Ivermectin.

+ Đối với ve, rận: Dùng credin hoặc dầu thông bôi vào chỗ ve, rận đốt; có thể sử dụng Chlorfenvinphos 0,5% để diệt trứng.

Một số bệnh thường gặp ở dê

2. Bệnh viêm phổi ở dê

Viêm phổi là bệnh khá phổ biến ở dê vào thời gian giao mùa, từ thu sang đông hoặc đầu mùa xuân. Do thời gian này nhiệt độ xuống thấp, gió lùa, chuồng trại ẩm ướt, chật chội và kém vệ sinh… khiến sức đề kháng của dê kém và dễ mắc bệnh hơn.

Khi mắc bệnh, dê thường sốt cao, sức ăn kém, ít vận động, luôn nằm một chỗ, có thể ho, chảy nước mũi và khó thở. Trường hợp dê mắc bệnh nặng nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, dê có thể chết. Bệnh viêm phổi có thể chuyển sang dạng mãn tính, trông ốm yếu, gầy còm và rất khó hồi phục lại.

Phòng bệnh viêm phổi ở dê:

– Giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp, không có gió lùa vào mùa đông. Tẩy uế chuồng trại định kỳ bằng nước vôi 10% hoặc axit phenic 2%;

–  Thức ăn cho dê phải đảm bảo chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý cho từng giai đoạn nuôi. Nước uống phải sạch, thường xuyên rửa máng nước và thay nước mới.

– Chú ý quan sát và phát hiện kịp thời các trường hợp dê mắc bệnh để có biện pháp nuôi cách ly, điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh viêm phổi ở dê:

–  Điều trị nhiễm khuẩn: Sử dụng một trong các loại kháng sinh sau đây trong 4 – 5 ngày liên tục.

+ Tylosin, liều 11 mg/kg khối lượng/ngày
+ Gentamycine, liều 15 mg/kg khối lượng/ngày;
+ Streptomycine, liều 30 mg/kg khối lượng/ngày.

– Trợ sức và hộ lý:

+ Dùng vitamin B1, vitamin C;
+ Truyền tĩnh mạch huyết thanh mặn hoặc ngọt đẳng trưởng;
+ Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.

3. Hội chứng tiêu chảy ở dê

Bệnh tiêu chảy là bệnh hay gặp ở dê con hoặc dê hậu bị. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virut hoặc cũng có thể do cầu trùng, giun đũa, sán dây… lây lan qua đường ăn uống. 

Bệnh tiêu chảy thường xảy ra vào những giai đoạn thời tiết bất lợi như quá nóng, quá lạnh hoặc mua nhiều, chuồng trại ẩm ướt. Tỷ lệ dê mắc bệnh cao khi bà con nuôi nhốt trong môi trường chật chội, vệ sinh kém, nhất là nguồn thức ăn không đảm bảo, bị bẩn, ướt, ôi thiu, bị mốc.

Dê bệnh bị tiêu chảy có hoặc không có máu, phân rất loãng, có mùi hôi thối, hậu môn dính bê bết phân. Dê bị mất nước, mệt mỏi, ăn ít, do thiếu máu nên lông xơ xác, gầy còm, tai lạnh, mắt nhợt nhạt. 

Phòng bệnh:

– Nuôi dưỡng tốt dê non: cho ăn đủ sữa và thức ăn chất lượng tốt; uống nước sạch;

– Luôn giữ chuồng nuôi ấm áp, khô ráo và sạch sẽ. Bà con cần tập trung phân ủ để diệt trứng giun sán.

Điều trị:

– Trước khi tiến hành điều trị bệnh, cần xem xét nguồn thức ăn, nước uống: Thức ăn ôi, mốc; sữa để lạnh, dụng cụ chứa sữa không hợp vệ sinh; nước uống bẩn… để loại trừ.

– Trường hợp bệnh nặng, ở dê non, có thể sử dụng Cloroxit, liều 4 – 8 viên/ngày, cho uống làm 2 lần. Đối với dê trưởng thành, nên tiêm Genta-Tylan hoặc Colistin, liều 5 – 7 ml/con.

– Trường hợp bệnh nhẹ, có thể cho dê ăn hoặc giã nát, vắt lấy nước cho dê uống các loại lá chát như lá hồng xiêm, lá ổi, lá chè xanh.

4. Phòng bệnh sốt sữa ở dê

Bệnh sốt sữa xảy ra khi dê bị thiếu hụt lượng canxi và phốt pho trong thời gian dài, khiến dê bị mắc hội chứng rối loạn thần kinh, gây ra bệnh sốt sữa.

Bệnh này thường xảy ra trong giai đoạn dê đang tiết sữa hoặc cạn sữa – thời gian mà dê cần rất nhiều canxi và phốtpho so với bình thường, song không được đáp ứng đủ, do đó dê phải sử dụng nguồn canxi từ máu. Khi lượng canxi trong máu giảm dưới 6mg/100ml thì dê bị rối loạn thần kinh.

Triệu chứng của bệnh sốt sữa trên dê

Dê sữa có năng suất cao thường bị bệnh này. Lúc đầu dê giảm ăn, suy nhược cơ thể, đi đứng khó khăn, sau đó dựa vào tường rồi nằm nghiêng một bên, co giật và tê liệt, không đứng dậy được. Thân nhiệt hạ xuống khoảng 38 độ C, mạch đập nhanh hơn bình thường. Không điều trị kịp thời, dê có thể tử vong.

Điều trị bệnh sốt sữa:

Nếu bệnh mới phát, có thể tiêm ven chậm 15-30ml/ngày (dung dịch canxi clorua CaCl2 10% hoặc 50-100ml/ngày, dung dịch Calcium gluconate 30%, tiêm 3 ngày liền).

Phòng bệnh

Treo đá liếm dành cho dê (70% bột khoáng canxi, phốtpho; 15% muối và 15% xi măng) trên vách chuồng để dê liếm. Ngoài ra, cần bổ sung canxi, phốtpho vào khẩu phần của dê cái có chửa để đáp ứng đủ chất dinh dưỡng cho chúng.

Theo nong-dan.com 

>> Mời bà con theo dõi video Máy băm cỏ cho bò, dê 3A2,2Kw

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!