Tổng hợp chi tiết nhất cách làm bánh tẻ thơm ngon, chuẩn vị
Bánh tẻ là thứ quà quê gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Mỗi khi nhắc tới bánh tẻ là người ta nghĩ ngay đến món bánh có nhân thịt, mộc nhĩ giòn giòn hòa quyện với lớp vỏ bánh mềm mại được chắt lọc kỹ từ bột gạo nhà làm. Bài viết dưới đây xin chia sẻ tới độc giả cách làm bánh tẻ chi tiết nhất và dễ thực hiện.
Nội dung bài viết
Đôi nét về bánh tẻ
Bánh tẻ hay còn có tên gọi khác là bánh lá hoặc bánh răng bừa. Đây là thứ bánh có xuất xứ từ rất lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Bảnh tẻ được làm từ bột nước xay nhuyễn của gạo tẻ, gói trong lá dong và mang đi luộc chín. Mỗi vùng miền có công thức làm bánh tẻ riêng biệt và có hương vị khác nhau. Một số loại bánh tẻ đặc sản nổi tiếng có thể kể đến:
- Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh)
- Bánh tẻ làng Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội)
- Bánh tẻ xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên)
- Bánh lá Khoái Châu, Hưng Yên
Ngoài ra, rất nhiều địa phương còn biến tấu bánh tẻ bằng cách vo tròn bánh tẻ và hấp chín (không có vỏ) để thưởng thức.
Làm bánh tẻ khá kì công, đặc biệt ở khâu chuẩn bị bột. Ngày trước, các bà, các mẹ cần phải ngâm gạo qua đêm, rồi cho vào cối đá và dùng sức để nghiền những hạt gạo trắng ngần ra thành thứ bột nước sánh mịn làm bánh. Nhưng ngày nay, nhờ khoa học công nghệ hiện đại đã chế tạo ra những chiếc máy xay bột nước, giúp công đoạn tốn thời gian và sức lực đó trở nên đơn giản và gói gọn trong một vài phút chạy máy.
Thậm chí, nhiều người không có thời gian ngâm gạo còn sử dụng cả những chiếc máy nghiền bột gia đình để sơ chế bột nguyên liệu. Bánh tẻ làm từ bột khô mặc dù không mềm và có vị chua dịu nhẹ như bột nước nhưng có vị thơm ngon riêng biệt. Cũng có thể được coi là phiên bản biến tấu thành công của món bánh tẻ.
Cùng theo dõi chi tiết cách làm bánh tẻ khác nhau bên dưới:
Cách làm bánh tẻ Phụng Công, Hưng Yên
Nguyên liệu làm bánh tẻ Phụng Công
- 500g gạo tẻ ngon
- 400g thịt lợn vai nguyên khổ (có cả nạc cả mỡ)
- 8-10 tai mộc nhĩ
- 12 cái nấm hương
- 5 củ hành tím
- 1 nắm to hành lá (khoảng 400g)
- 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa cà phê mì chính, 2 thìa cà phê hạt tiêu, ½ thìa cà phê tinh dầu cà cuống, 1 thìa canh dầu ăn
- 1 mớ lá dong bánh tẻ
- Dây lạt
Các bước thực hiện làm bánh tẻ Phụng Công
Gạo cần tuyển chọn gạo ngon, loại bỏ những hạt mốc, rồi đem ngâm tối thiểu 3 – 4 tiếng hoặc qua đêm (không quá 8 tiếng). Bỏ một nắm muối hạt nhỏ vào nước ngâm để giảm bớt vị chua cho bánh và giúp vỏ bánh thêm đậm đà. Nếu ngâm quá lâu khiến bánh rất dễ bị thiu nếu không ăn hết trong ngày. Đãi sạch gạo bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo nước.
Cho gạo vào máy xay bột nước với tỉ lệ 1 gạo: 4 nước và xay nhuyễn. Đem hỗn hợp nước bột gạo quấy đều trên bếp. Lưu ý quấy liền tay để chống cháy đáy nồi và giúp mẻ bột không bị trào ra ngoài. Theo kinh nghiệm những người trong nghề quấy cho tới khi thành hỗn hợp nhuyễn dẻo có màu trắng đục (7 phần chín, 3 phần sống) là được. Tắt bếp và để bột nguội.
Thịt lợn rửa sạch, thái sơ. Nên chọn thịt có cả nạc và mỡ để nhân có vị béo ngậy. Hành khô bóc vỏ, rửa sạch. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở rồi cắt rễ, rửa sạch, thái sơ. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
Đem hỗn hợp thịt lợn, hành khô, nấm hương, mộc nhĩ cho vào máy xay thịt để xay nhỏ nhuyễn làm nhân bánh. Trộn hỗn hợp nhân bánh vừa xay với hành lá thái nhỏ, nước mắm, hạt tiêu, tinh dầu cà cuống, mì chính và ướp trong khoảng 15 – 30 phút trước khi gói.
Lá dong đem rửa sạch nhẹ nhàng 2 mặt, cắt cuống và để ráo nước. Lạt tước nhỏ có độ rộng khoảng 1,5 – 2mm là được. Mẹo nhỏ để dễ gói hơn đó là phơi qua nắng cho lá héo bớt, mềm ra.
Đặt 2 lá dong xếp chồng lên nhau theo chiều dọc. Lưu ý là xếp mặt dưới tiếp xúc với bột và mặt trên ra ngoài vỏ để bánh đẹp hơn. Múc 1 thìa bột phết dọc lên chính giữa lá rồi đổ tiếp 1 thìa nhân bánh rải dọc lên trên lớp bột. Lưu ý rải đều và nhẹ nhàng để nhân không nằm ngoài phần bột, tránh hiện tượng khi gói bị lòi nhân ra ngoài. Múc thêm nửa thìa bột phủ kín nhân thịt.
Túm 2 mép lá dong, lăn tròn bánh đều tay rồi gập nhẹ nhàng 2 bên đầu lá vào phía trong và dùng dây lại cuốn theo dạng lò xo hết thân bánh. Thực hiện lần lượt cho tới khi hết phần bột và nhân thịt.
Xếp bánh vào xửng hấp và hấp chín bánh trong khoảng 15 – 20 phút là hoàn thành. Nếu sợ quên, bạn có thể cho bánh vào nồi hấp điện đa năng và hẹn giờ để đảm bảo món ăn của mình vừa chín mà nồi nước không bị đun cạn khô.
Đợi bánh nguội bớt vớt ra ngoài và ăn kèm với nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt sẽ rất ngon. Trong điều kiện nắng nóng như ở nước ta, tốt nhất nên bảo quản bánh tẻ trong ngăn mát tủ lạnh để ngăn ngừa bánh bị chua và thưởng thức hết trong vòng 1 – 2 ngày.
Cách làm bánh tẻ Phú Nhi, Sơn Tây
Nguyên liệu làm bánh tẻ Phú Nhi
- 500g gạo tẻ ngon
- 200g thịt nạc vai
- 100g mộc nhĩ, 4 củ hành khô, 1 nắm to hành lá
- 1 mớ lá dong, nếu không có lá dong có thể sử dụng lá chuối thay thế, 1 bó dây lạt
- 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa hạt nêm, 2 thìa dầu ăn
Các bước thực hiện làm bánh tẻ Phú Nhi
Ngâm gạo trong nước sạch khoảng 3 – 4 tiếng trước khi nghiền bột nước. Sau đó đãi sạch, để ráo và tiến hành cho vào máy xay bột nước để nghiền mịn. Cách làm tương tự như hướng dẫn bên trên. Tuy nhiên, người làng Phú Nhi có bí quyết riêng để món bánh tẻ thêm đậm đà là sau khi nghiền bột ướt xong, ngâm thêm khoảng 1 – 2 tiếng nữa để bột mềm hơn. Khi nhỏ thử bột ướt vào mu bàn tay, nếu bột chảy nước 1 đoạn rồi mới se giọt đọng màu trắng là đạt, còn nếu bột đọng luôn tức là đang bị thiếu nước, cần ngâm tiếp.
Sau đó, chắt nước, và thêm nước sạch vào nồi bột với tỉ lệ 1 bột: 4 nước và cho lên bếp đun lửa ở mức vừa. Sử dụng đũa lớn khuấy đều cho tới khi bột sền sệt (không cần chín bột) là được. Mẻ bánh tẻ có ngon hay không phần lớn quyết định ở bước thao tác này. Khi khuấy phải liên tục, đều tay và đồng đều ở mọi vị trí. Điều cốt yếu là không để nồi bánh vón cục, và không bị cháy khê dưới đáy.
Nhân bánh tẻ làng Phú Nhi có cách chế biến khác so với bánh tẻ làng Phụng Công. Thay vì xay nhỏ thì các nguyên liệu cần được thái sợi chỉ. Thịt rửa sạch, thái sợi chỉ nhỏ khoảng 3mm. Mộc nhĩ thái chỉ, hành lá thái nhỏ. Phi thơm hành khô với dầu rồi đổ thịt và mộc nhĩ vào xào chín. Nêm nếm các gia vị đã chuẩn bị vào hỗn hợp nhân rồi đảo đều trong khoảng 5 phút. Rắc thêm hành lá, đảo tiếp 30 giây trước khi tắt bếp.
Lá dong đem rửa sạch, để ráo nước. Đem lá dong ra phơi nắng hoặc hơ qua lửa cho mềm ra. Trong trường hợp không kiếm được lá dong có thể sử dụng lá chuối để thay thế.
Theo cách làm bánh tẻ làng Phú Nhi được truyền lại, cần phải gói bánh ngay trong khi bột đang còn ấm nóng mới ngon. Do vậy, bạn cần thực hiện các bước chuẩn bị trước khi quấy bột.
Trải mặt dưới của lá hướng lên phía trên, múc 1 thìa bột và dàn mỏng ra giữa lá dong. Thêm 1 thìa nhân, rắc đều bên trong lớp bột rồi tiến hành gấp mép lá và vê tròn theo chiều ngang. Cần phải vê chặt tay để bộ không thừa ra ngoài. Gấp mép 2 đầu vào phía trong rồi cuốn bằng dây lạt.
Xếp bánh ngăn nắp vào nồi hấp và hấp trong khoảng 20 phút là chín. Dỡ bánh ra và thưởng thức khi còn nóng hoặc để nguội mới ăn đều được.
Cách làm bánh tẻ bằng bột khô
Nếu bạn không có thời gian chuẩn bị bột ướt mà vẫn muốn thưởng thức món bánh thơm ngon này. Hãy tham khảo cách làm bánh tẻ bằng bột khô bên dưới nhé!
Nguyên liệu làm bánh tẻ bằng bột khô
- 250g bột gạo tẻ khô
- 100g thịt nạc vai
- 50g mộc nhĩ, 3 củ hành khô, 1 nắm nhỏ hành lá
- 1 mớ lá dong bánh tẻ, 1 bó dây lạt
- 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa mì chính, 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa hạt tiêu
Các bước làm bánh tẻ bằng bột khô
Bột gạo đem ngâm nước từ 3 – 5 tiếng. Cho thêm 1 thìa cà phê muối hạt vào ngâm cùng để tránh làm bột quá chua. Đem chắt hết nước sau khi kết thúc thời gian ngâm và cho nước mới theo tỉ lệ 1 bột: 4 nước. Đem quấy bột đều tay ở mức lửa vừa sao cho hỗn hợp bột trở nên trắng ngà và chín sượng là được.
Thịt nạc, rửa sạch và thái nhỏ. Hành lá, hành củ, cắt rễ, bóc vỏ, rửa sạch. Mộc nhĩ ngâm nở, cắt gốc và rửa sạch. Tùy theo sở thích muốn ăn nhân thái nhỏ hoặc muốn ăn nhân thái chỉ để quyết định cách chế biến nhân bánh cho phù hợp. Nếu muốn ăn nhân thái nhỏ dạng hạt lựu. Bỏ tất cả nguyên liệu kể trên trừ hành lá vào máy xay thịt để xay nhuyễn.
Còn nếu thích ăn nhân thái chỉ, bạn cần kỳ công hơn là tự tay thái hoặc trong trường hợp các hộ gia đình làm bánh số lượng lớn để bán có thể mua máy thái sợi rau củ quả để hỗ trợ sơ chế mộc nhĩ.
Sau đó, đem hỗn hợp nhân bánh trộn đều với các gia vị đã chuẩn bị, hành lá thái nhỏ và ướp trong khoảng 15 phút. Lá dong đem rửa sạch, phơi héo.
Dàn 2 lá dong xếp chồng lên nhau và đặt xuống mâm. Múc 1 thìa bột rải đều theo chiều dọc giữa sống lá. Múc tiếp 1 thìa nhân rải dọc ở giữa lớp bột rồi phủ tiếp nửa thìa bột lên phía trên. Dùng tay gấp 2 mép lá rồi cuộn tròn chiếc bánh. Gấp nhanh 2 đầu lá vào phía trong và dùng lạt buộc chắc lại.
Xếp bánh vào nồi hấp và hấp trong khoảng 20 phút là bánh chín. Xếp bánh ra để nguội và có thể thưởng thức. Hương vị bánh làm bằng bột khô nếu được thực hiện chuẩn xác sẽ có vị ngon không kém làm bằng bột ướt.
Một số lưu ý trong cách làm bánh tẻ để món bánh thành công và thơm ngon:
- Một số bạn thắc mắc tại sao bánh mình làm dẻo dính chứ không được tơi như bánh ngoài hàng. Nguyên nhân chính là bạn sử dụng gạo tẻ dẻo như tám thái, tám thơm hoặc trộn thêm với gạo nếp trong nguyên liệu.
- Vỏ bánh chỗ cứng, chỗ mềm, thậm chí vón cục. Nguyên nhân chính là do quấy chưa đều tay từ lúc bắt đầu đun bột.
- Bánh có vị chua gắt dù mới hấp chín. Do ngâm bột quá lâu. Cách khắc phục, thay nước thường xuyên trong quá trình ngâm bột, kết hợp với cho thêm một chút muối hạt trong khi ngâm để khử chua.
- Bánh không có màu xanh đẹp mắt như ngoài hàng. Một số nhà sản xuất bánh có nghiền lá dứa và trộn với bột làm bánh để tạo màu bắt mắt. Bạn cũng có thể áp dụng cách này nếu muốn tăng thêm màu xanh cho lớp vỏ bánh tẻ của mình.
- Bảo quản bánh như thế nào? Có thể bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát nếu ăn hết trong ngày và nhiệt độ môi trường dưới 30 độ C. Trong trường hợp thời tiết nóng, nồm ẩm và làm nhiều bánh, nên đợi bánh nguội và xếp vào ngắn mát tủ lạnh sử dụng trong 1- 2 ngày.
Chúng ta vừa cùng nhau hoàn thành cách làm bánh tẻ. Chúc các bạn nắm vững kiến thức và thực hành thành công để có món bánh thơm ngon, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên hoặc thiết đãi cả nhà.
Mời quý vị và các bạn theo dõi video giới thiệu máy xay bột 3A2,2Kw
Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:
Công ty CPĐT Tuấn Tú
VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869
Email: may3a.info@gmail.com
Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM
Hotline: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: https://may3a.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/
Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!
No comments yet.