Tiết lộ kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm mà hàng trăm người đã thành công
Lợn rừng hiện là vật nuôi đem lại giá trị kinh tế khá cao cho bà con chăn nuôi. Hơn nữa, món ăn từ thực phẩm này thường rất thơm ngon, được thị trường đặc biệt ưa chuộng, giá bán cao gấp 3 – 5 lần so với thịt lợn nhà. Để nắm được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi lợn rừng, mời bà con tham khảo bài viết về kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm sau đây.
Nội dung bài viết
1. Đặc điểm sinh học của lợn rừng
Lợn rừng có da lông màu đen hoặc nâu xám, lông da khô, lông gáy dài và cứng. Điểm phân biệt lợn rừng với lợi nhà là cấu trúc lông của chúng. Cứ 3 lỗ chân lông lại mọc chụm vào nhau như một khóm lúa. Ở lợn đực trưởng thành có 4 răng nanh to, chắc, khỏe. Răng nanh hình tam giác màu trắng ngà. Đầu răng nanh nhọn, cong vểnh nên ở 2 bên mép.
Lợn rừng cái động dục vào lúc 6 – 7 tháng tuổi (20 – 27Kg). Thời gian mang thai tương tự lợn nhà, từ 112 – 116 ngày. Lợn rừng cái có từ 8 – 10 vú, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 5 – 10 con (lứa đầu có thể 3 – 5 con).
Lợn con sơ sinh nặng từ 0,5 – 0,9 Kg, có lông màu nâu vàng, điểm những sọc vàng hoặc sọc trắng ở dọc sườn và lưng (giống sọc dưa). Các vệt sọc này mất dần khi lợn đạt từ 12kg/con trở lên và mất hẳn khi 17 – 18 kg/con (khoảng 3 tháng tuổi).
2. Xây dựng chuồng trại nuôi lợn rừng
a. Vị trí làm chuồng trại
– Nên chọn vị trí cao ráo, dễ dàng thoát nước, tránh những chỗ trũng thấp, khó thoát nước. Do đặc tính thích dũi đất của lợn rừng nên nếu chỗ nuôi là đất thịt pha cát thì càng tốt.
– Yếu tố quan trọng nhất là chuồng trại phải gần nguồn nước. Nước phải là nước ngọt, sạch và sẵn dùng quanh năm. Nguồn nước này không chỉ cung cấp cho lợn rừng mà còn để tưới rau xanh làm thức ăn cho lợn và tưới cây xanh che bóng mát cho trang trại.
– Chỗ nuôi lợn rừng gần chợ thì bà con có thể tận dụng nhiều loại thức ăn. Bà con có thể thu nhặt các loại rau, củ, quả thừa, thải loại ở chợ để tận dụng làm thức ăn cho lợn. Nếu gần ao, bà con thả lục bình (bèo tây) để làm thức ăn xanh bổ sung cho lợn, vừa tiết kiệm lại rất hiệu quả.
– Lợn rừng rất thính tai nên nơi nuôi cần phải yên tĩnh, tránh làm lợn hoảng loạn, tìm cách chạy trốn. Tốt nhất bà con chọn khu vực xa dân cư và đường quốc lộ, xa những vị trí như bệnh viện, trường học…
– Kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm khuyến khích bà con làm chuồng nuôi theo hướng Đông – Tây, lợn sẽ nhận được ánh sáng đầy đủ. Khu chuồng nuôi cần có nhiều ánh sáng mặt trời, đồng thời phải có bóng dâm (bà con có thể trồng thêm cây xanh tạo bóng mát). Nơi nuôi lợn rừng cần có chỗ trú ấm vào mùa đông và tránh được gió lùa. Đàn lợn sinh sôi nhanh nên bà con cần dự trù diện tích nuôi cho phù hợp.
b. Các kiểu nuôi lợn rừng
* Nuôi lợn rừng theo kiểu thả rông
Lợn rừng với đặc tính sống hoang dã nên cách nuôi thả rông được nhiều bà con lựa chọn, nhất là đối với các cơ sở nuôi lợn rừng thương phẩm. Diện tích của các trang trại lợn rừng, lợn rừng lai thường vài trăm mét vuông tới vài nghìn mét vuông. Sử dụng để làm lán trại, sân vận động, đồng thời để trồng rau củ làm thức ăn cho chúng. Xung quanh trang trại cần xây tường hoặc quây kín bằng lưới B40, cần cạp kỹ phần sát mặt đất, tránh lợn rừng đào đất chui ra. Lưới hoặc tường đủ cao để chúng không nhảy qua.
Trong khu nuôi trồng nhiều cây cối để cho lợn chui rúc. Có thể làm nhà lều nhỏ (diện tích 4 – 6 m2, cao 1,2 – 1,5m), lợp mái rơm, cỏ hoặc lá cọ. Tường vây có thể làm bằng các tấm tấm fibro xi măng, hở lối ra vào. Nền nuôi có thể là đất pha cát, đắp cao để tránh trũng nước, có thể lót rơm rạ, cỏ khô.
Bên cạnh đó, bà con bố trí các hố nước cho lợn tắm. Chuẩn bị máng ăn và máng uống đầy đủ. Nếu khu nuôi có diện tích hẹp thì bà con bố trí chiều ngang hẹp, tăng chiều dài để lợn đua nhau chạy.
* Nuôi lợn rừng theo kiểu xây chuồng
Kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm khi làm chuồng nuôi cần có mái che, đảm bảo không bị nước mưa hắt ướt nền chuồng nhưng vẫn phải đủ ánh sáng vào chuồng. Nền có thể để nền đất để lợn rừng dũi. Bà con có thể ngăn ô riêng biệt, mỗi ô rộng từ 4 – 6m2, và chỉ nhốt 1 – 2 con. Nếu khu nuôi lớn, bà con có thể chia nhiều ô và ở giữa chừa lại lối đi để tiện chăm sóc. Chuồng có thể xây bằng gạch hoặc quây bằng cây gỗ hoặc lưới B40.
>> Xem thêm: Làm chuồng trại chăn nuôi lợn rừng
3. Thức ăn để nuôi lợn rừng thương phẩm
– Lợn rừng là loài ăn tạp, dạ dày và hệ thống tiêu hóa của chúng rất tốt. Chúng ăn được nhiều loại thức ăn như: Than, lá cây non, các loại rễ, củ quả, trái cây rụng, thân lá cây chuối, quả chuối, giun, châu chấu, dế, cào cào… Thậm chí, xác cây, xác động vật chưa thối rữa hết lợn rừng cũng ăn và tiêu hóa bình thường.
– Thức ăn nuôi lợn rừng phong phú, dễ kiếm, giá thành rẻ và chủ yếu là các loại thân, lá, củ, quả,… sẵn có trong tự nhiên. Hầu hết các trang trại nuôi lợn rừng đều trồng chuối, trồng cỏ, sản xuất rau muống, lá sắn, rau cải, rau lấp,… để có thức ăn thô xanh quanh năm cho lợn rừng.
– Kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm giúp lợn tăng trưởng nhanh, bà con có thể bổ sung thêm cám ngô, cám gạo, bột đậu tương, đậu mèo, khoai lang, cơm và thức ăn thừa… được nấu lên rồi trộn với rau, bèo, thân lá để cho lợn ăn. Một số trang trại đã sử dụng thức ăn công nghiệp (dạng bột, dạng viên) để cung cấp cho lợn rừng thức ăn giàu đạm hơn, các chất dinh dưỡng cân đối hơn.
– Có thể bố trí lợn rừng được ăn 2 bữa chính. Ngoài ra, ta cho chúng ăn thêm rau, cỏ, bèo, thân chuối,… Bà con có thể chủ động chế biến thức ăn cho lợn rừng bằng máy băm nghiền đa năng 3A2,2Kw. Máy có 3 tính năng: Băm nhỏ rau, bèo, chuối – Nghiền nát nhuyễn cây chuối, cua, ốc – Nghiền bột khô các loại ngũ cốc.
4. Chú ý trong kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm
Lợn rừng nuôi để xuất bán mổ thịt thường chọn lựa để nuôi từ lợn sau cai sữa đến khi xuất chuồng. Lợn rừng ở 50 – 60 ngày tuổi thường chỉ nặng 4 – 6 kg/con. Cũng có thể nhập về trại loại lợn 3 – 4 tháng tuổi, nặng 10 -12 kg/con. Ta nuôi tiếp tới khi đạt 40 – 50 kg/con thì xuất bán.
Nếu nhập về loại lợn khoảng 2 tháng tuổi, tức là loại lợn vừa cai sữa xong, cần hết sức lưu ý về chuồng trại, thức ăn và nơi ở. Tốt nhất, những ngày đầu lợn mới mua về được nhốt riêng (nếu là mua thêm để bổ sung cho đàn lợn sẵn có ở trang trại). Ta cho ăn những thức ăn mà trại cũ của lợn đã cho ăn và thay dần bằng thức ăn mới để lợn quen dần. Lợn con sau cai sữa rất thích chạy nhảy nên chuồng trại cần rộng rãi, thoáng mát và có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Trong ô chuồng có máng ăn, máng uống sẵn để chúng tự do ăn, uống khi chúng cần.
Nếu nhập về loại lợn cỡ 10 – 12 kg/con, ứng với trên 3 – 4 tháng tuổi thì việc nuôi tiếp tới khi xuất chuồng sẽ đơn giản hơn nhiều. Mỗi ngày nên cho lợn nuôi thịt ăn 3 bữa, 2 bữa chính và 1 bữa phụ vào buổi trưa. Bữa trưa cần tăng các loại rau, cỏ tươi, thân chuối thái mỏng, bèo lục bình sạch,… để hợp với thói quen thích ăn thức ăn xanh của lợn và cung cấp thêm sinh tố cho lợn và lại giảm chi phí. Còn 2 bữa chính (sáng, chiều) nên cho thêm mỗi con vài ba lạng thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột đậu tương, bột khoai, thức ăn củ quả,…
Một số trang trại nuôi với quy mô lớn đã sử dụng một phần thức ăn công nghiệp dạng cám viên để nuôi lợn thịt. Bà con cũng có thể tự phối trộn nguyên liệu và sử dụng Máy ép cám viên 3A để tự sản xuất cám viên cho đàn lợn rừng của mình.
Ở trang trại đã qua vài năm nuôi lợn rừng với quy mô hàng trăm con, khi mua lợn rừng để bổ sung vào đàn lợn rừng nuôi thịt, người ta nhốt riêng đàn lợn mới để theo dõi và giúp chúng quen dần với nơi ở mới trong thời gian 20 – 21 ngày. Trong thời gian này, ta nên tiến hành tẩy giun sán, tiêm phòng và tập cho lợn quen dần với thức ăn ở nơi ở mới. Sau đó, ta mới sát nhập chúng vào đàn hoặc phân vào các ô nuôi. Mỗi ô có thể nuôi 4 – 5 con lợn thịt với diện tích 16 – 20m2/lô. Cũng có thể nuôi thành bầy đàn vài chục con và cho vận động tự do ngoài vườn, hoặc trong trại có cây bóng mát, có mái che mưa nắng, có máng ăn, máng uống đầy đủ. Các trang trại nuôi lợn rừng lấy thịt ở Thái Lan thường làm chuồng theo kiểu lán trại. Đó là kiểu nhà mái dài, mái ngắn, xung quanh rào bằng tre, gỗ cao 1,2 – 1,5m (tránh lợn nhảy ra) và có sân rộng trước cửa ô chuồng để lợn vận động, chạy nhảy tự do.
Trong việc nuôi lợn rừng thịt, người ta rất quan tâm tới việc sản xuất ra lợn rừng cho thịt nạc nhiều, mỡ ít, thịt có hương vị thơm ngon. Đặc biệt, thịt lợn rừng có bộ da dày. Khi chế biến xong, ăn da lợn rừng thấy giòn, ngọt, rất “khoái khẩu”. Để phát huy những ưu việt của thịt lợn rừng, chúng ta cần phải có những giải pháp xác đáng hơn trong việc lựa chọn con giống, cách nuôi dưỡng và chăm sóc,…
Trên đây là những kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm cho hiệu quả cao. Chúc bà con chăn nuôi thành công!
No comments yet.