Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn đầy đủ từ A – Z

Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn là mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giải quyết những hạn chế của các phương pháp nuôi truyền thống đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Nuôi vịt trên cạn dễ chăm sóc, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường.

Ích lợi của việc nuôi vịt trên cạn

Hiện nay tổng toàn bộ đàn vịt nuôi trên cả nuóc có khoảng 44 triệu con. Không chỉ cho sản lượng thịt, trứng mà vịt con cho một lượng lông vũ xuất khẩu lớn. Chính vì vậy, chúng còn được ví như “con cừu của Việt Nam”.

Tuy nhiên, nuôi vịt theo hình trường truyền thống đòi hỏi bà con phải có ao nuôi rộng, có lều ở gần chuồng nuôi để tiện quản lý, chăm sóc. Mặt khác, nuôi theo hình thức này cũng làm phát sinh và khó quản lý dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục và tạo điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi cho bà con trên khắp cả nước, mô hình nuôi vịt trên cạn ra đời. Đây là mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học với các lợi ích:

  • Nuôi vịt trên cạn không cần nuôi theo mùa vụ. Bà con có thể chủ động khu vực nuôi sao cho thuận tiện quản lý nhất.- Dễ dàng quản lý dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan cho đàn vịt.
  • Thuận tiện cho việc thu gom phân, dọn dẹp vệ sinh. Phân vịt có thể đem ủ làm phân bón hữu cơ giàu dinh  dưỡng cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh.
  • Nuôi vịt trên cạn giúp giảm mùi hôi khó chịu từ đàn vịt, đặc biệt là vào mùa nóng.
Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn

Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn cho hiệu quả kinh tế cao

  • Tiết kiệm nguồn thức ăn chăn nuôi, tránh lãng phí.- Vịt đẻ trứng tập trung, thuận tiện cho việc thu gom.
  • Sử dụng đệm lót chuồng vừa là cách nuôi vịt trên cạn hiệu quả, giúp bà con dễ dàng dọn dẹp vệ sinh. Đồng thời đệm lót còn giúp giảm bệnh về đường hô hấp, hạn chế vi sinh vật phát triển, giảm mùi hôi, giúp chân vịt không bị chai hay trụi ức. Sau mỗi lứa nuôi, bà con có thể sử dụng đệm lót làm phân bón hữu cơ đó để bón cho cây trồng xung quanh hoặc các cây trong vườn nuôi.

Chọn vịt giống

Các giống vịt

a. Vịt chuyên thịt

Giống vịt CV Super M: là giống vịt siêu thịt cho sản lượng thịt rất tốt. Giống vịt này có xuất xứ từ Anh, màu lông trắng tuyền, ngực sâu, cổ dài, chân vững. Vịt có thể giết mổ từ lúc 47 – 52 ngày tuổi với khối lượng từ 3,07 – 3,24kg với tỷ lệ thịt xẻ đạt 2,23 – 2,42kg/ con.

Vịt Szarxvas: cũng là một giống vịt cho thịt mà bà con có thể chăn nuôi. Vịt này có thể xuất chuồng từ 49 ngày nuôi với trọng lượng đạt 2,85kg/ con. Giống vịt này khá dễ nuôi, phù hợp với nhiều điều kiện, ngay cả mô hình bán thâm canh tại chuồng.

Vịt Bắc Kinh: cho sản lượng thịt cao sản lớn. Giống vịt này có thể xuất bán vào 72 ngày tuổi sau khi nuôi, trọng lượng đạt 2,2 – 2,3kg/ con. 

Vịt nông nghiệp: đây là giống vịt lai có thân hình to lớn. Bao gồm vịt nông nghiệp 1 và vịt nông nghiệp 2. Vịt có thể xuất bán từ lúc được 49 ngày nuôi với khối lượng đạt 2,2 – 2,3kg/ con. Giống vịt này đang được nuôi nhiều ở khu vực Miền Nam.

b. Vịt chuyên trứng

Một số giống vịt siêu trứng bà con có thể chọn nuôi như:

– Vịt Cỏ: Là giống vịt nuôi từ lâu đời ở nước ta được thuần hóa từ vịt trời. Giống vịt này có nhiều nhóm với màu lông khác nhau: Sẻ sẫm, trắng tuyền (5 – 8%), sẻ nhạt, xám hồng, xám đá, đen tuyền, khoang trắng đen. Vịt đực trưởng thành nặng l,5 -l,7 k g , vịt mái trưởng thành nặng l,4- l,5k g. Giống vịt này có khả năng cho trứng quanh năm, sản lượng trứng đạt từ 160 – 225 quả/ mái/ năm. Mỗi một quả trứng sẽ có khối lượng từ 64 – 65g/ quả. Tỉ lệ phối lấy giống từ trứng vịt cỏ thành công cao.

– Vịt Khaki Campbell: được nhập khẩu từ Hà Lan. Giống vịt này có khả năng chống chịu bệnh cao, bắt đầu cho trứng lúc 140 ngày tuổi. Sản lượng trứng đạt được tương đối cao từ 250 – 280 quả/ mái/ năm. Mỗi quả trứng sẽ có khối lượng trung bình từ 65 – 75g/ quả.

– Vịt CV 2000 Layer: Đây cũng là một giống vịt nhập từ những năm 1997. Vịt có thể cho trứng từ lúc 154 ngày tuổi, sản lượng đạt 285 quả/ mái/ năm.

c. Vịt kiêm dụng

Vịt kiêm dụng vừa cho sản lượng thịt, vừa lấy trứng. Những giống vịt kiêm dụng đang được nuôi phổ biến cho năng suất cao gồm:

Vịt bầu: giống vịt này có thân hình vững chắc, đầu to, cổ ngắn vừa phải, có nhiều màu lông khác nhau, trong đó phổ biến nhất là màu vàng. Từ 154 ngày tuổi, vịt có thể sinh sản, lượng trứng trung bình đạt 160 – 165 quả/ mái/ năm. Từ trên 70 ngày tuổi, vịt có thể cho thịt với khối lượng  từ l,5-l,7kg, tỷ lệ thịt xẻ 66-67%.

Vịt bạch tuyết: đây là giống được lai tạo giữa vịt Cỏ (con cái) và vịt Anh Đào (con đực). Từ 150 ngày tuổi vịt bắt đầu đẻ trứng với sản lượng 140 – 150 quả/ mái/ năm. Trứng có tỉ lệ phối giống đạt tới 90%.

Vịt biển 15 – Đại Xuyên: là giống vị mới có thể sống được ở cả vùng nước mặn và nước lợ, thích nghi tốt. Giống vịt này cho trứng từ 140 ngày tuổi, năng suất đạt 235 – 245 quả/ mái/ năm. Từ 135 ngày tuổi vịt có thể xuất bán lấy thịt với khối lượng trung bình từ 2,6 – 2,9kg/ con. 

Vịt đốm Lạng Sơn: Giống vịt này có tầm vóc khá nhỏ. Vịt cho thịt từ 22 tuần tuổi với năng suất 150  – 180 quả/ mái/ năm. Vịt thương phẩm được xuất bán sớm hơn với khối lượng trung bình từ 1,8 – 1,9kg/con. 

Yêu cầu về chọn giống

Dù bà con lựa chọn giống vịt nào thì cũng cần xem xét và lựa chọn kỹ:

  • Con giống phải khỏe mạnh, mắt sáng, đi lại nhanh nhẹn, phản ứng nhạy bén.
  • Các đặc điểm chi tiết cần đảm bảo yêu cầu: mỏ khép kín, chân bóng, cứng cáp, đi lại bình thường. Bụng thon gọn, rốn kín. Lông khô, vịt giống nào thì phải mang màu lông đặc trưng của giống đấy.
  • Cân nặng đầu vào của con giống phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào. Loại bỏ những con yếu ớt, bệnh, dị tật, lông ướt …

Các phương thức nuôi vịt trên cạn

Nuôi vịt trên vườn cây

Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn: Nuôi vịt trên vườn cây

Nuôi vịt trên vườn cây

Phương thức nuôi vịt trên cây phù hợp với những trang trại có sẵn vườn cây rộng với độ dốc vừa phải, bề mặt bằng phẳng, đất chắc để tránh trời mưa ngập úng nước, nước tù nước đọng.

Ngoài ra, cây trong vườn phải có độ cao ít nhất từ 1 – 2m để vịt không làm hỏng chồi. Đó có thể là vườn trồng keo, trồng cao su, bạch đàn… các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả lâu năm tán rộng (nhãn, xoài, mít)…

Phía bên ngoài khu vực chăn thả, bà con phải làm rào quây bằng lưới thép B40 hoặc gỗ, tre để quản lý đàn vịt cũng như tránh tình trạng trộm cắp, thất thoát.

Cạnh vườn cây nuôi vịt nên có ao nước hoặc hồ nước sạch để cung cấp nước trong chăn nuôi cũng như tạo điều kiện để vịt có khu vui chơi. 

Nuôi vịt nhốt chuồng

Mô hình nuôi vịt nhốt chuồng cũng đang là một hướng chăn nuôi bền vững, an toàn được khuyến khích để bà con chăn nuôi sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình.

Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn: Nuôi vịt nhốt chuồng

Nuôi vịt nhốt chuồng hoàn toàn

Vị trí: xây dựng cách xa khu nhà ở, khu đường giao thông và các công trình có dân cư tập trung đông đúc. Chuồng trại phải cao ráo thoáng mát, tránh nước đọng, nước tù khi trời mùa.

Hướng chuồng: Nên làm hướng Đông Nam để tránh gió lùa vào mùa rét.

Tường chuồng: xây tường bằng gạch cao trên 1m, từ khoảng trống còn lại cho đến mái thì dùng lưới thép B40 để quây lại tạo độ thông thoáng cho đàn vịt. Vào mùa đông có thể dùng bạt để quay xung quanh chuồng tránh gió lùa.

Máng ăn, máng uống: máng ăn được bố trí đặt bên trong nuôi. Có thể dùng máng làm bằng tôn hoặc máng nhựa treo lên cao nhưng vừa phải để đàn vịt không làm bẩn, đổ. Máng ăn phải được bố trí hợp lý mới mật độ 70 – 100con/ máng. Còn máng uống có thể tích chứa khoảng 5 lít.

Đệm lót chuồng:

Đối với kỹ thuật nuôi vịt trên cạn bằng hình thức nuôi nhốt chuồng, bà con bắt buộc phải sử dụng đệm lót chuồng. Đệm lót chuồng có thể là rơm, rạ, mùn cưa, vỏ trấu để tiết kiệm chi phí hoặc bà con dùng đệm lót sinh học bán trên thị trường.

Đệm lót sinh học phải được phơi khô hoàn toàn, sát trùng kỹ trước khi cho vào chuồng để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, mầm bệnh. Bà con có thể sử dụng formalin hoặc thuốc tím và formol để khử trùng với liều lượng 18g thuốc tím, 36g formol hòa tan trong 100 lít nước.

Đệm lót có độ dày từ 10 – 15cm, đảm bảo khô ráo, không bị ẩm ướt. Trong suốt quá trình nuôi lứa vịt, bà con phải đánh tơi đệm lót tránh để chúng bị kết tảng hoặc vón cục. Nếu lớp đệm bị xẹp có thể bổ sung một ít đệm lót mới lên trên. Vào mùa xuân, bà con phải thay chất độn chuồng thường xuyên vì độ ẩm thời gian này cao, đồng thời giảm mật độ nuôi xuống.

Ngoài ra, chuồng nuôi vịt trên cạn cần phải có hố chứa chất thải sát trùng để xử lý chất trải tránh làm ô nhiễm môi trường xung quanh. 

Lồng úm vịt con:

Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn: Úm vịt con

Úm vịt con

Trong chuồng nuôi cần phải thiết kế lồng úm vịt con riêng biệt để đảm bảo mật độ nuôi, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp, cân bằng lượng thức ăn và bảo vệ đàn vịt con sinh trưởng trong điều kiện tốt nhất. 

Lồng úm vịt bà con có thể tự thiết kế hoặc mua lồng úm vịt con đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Lồng úm có kích thước 2 x 1 x 0,5m cho khoảng 150 con trong tuần đầu và 100 con trong tuần thứ 2. 

Trong lồng úm vịt con phải bố trí máng ăn, máng uống, chụp sưởi, phía bên ngoài quây kín để tránh gió lùa, mưa hắt.

Môi trường chung của chuồng nuôi cho mô hình nuôi vịt trên cạn lý tưởng bà con cần duy trì:

Ngày tuổi Nhiệt độ (độ C) Mật đồng chuồng nuôi (con/m2)
1 – 10 26 – 30 16 – 20
11 – 20 22 – 26 13 – 15
21 – 30 18 – 22 10 – 12
31 – 40 15 – 18 8 – 9
41 – 50 15 – 18 6 – 7
51 – 60 15 – 18 5 – 6

Nuôi vịt nhốt chuồng có sân chơi

Nuôi vịt trên cạn theo hình thức nhốt chuồng có sân chơi thì chuồng nuôi bà con cũng tiến hành làm tương tự như nhốt chuồng hoàn toàn. Ngoài ra, bên cạnh chuồng phải làm thêm một sân chơi. Diện tích sân chơi cho vịt phải rộng gấp 2 – 3 lần so với chuồng nhốt. Sân chơi có thể láng xi măng hoặc lát gạch đỏ để thuận tiện cho công tác vệ sinh và bảo vệ đàn vịt.

Nuôi vịt nhốt chuồng có sân chơi

Nuôi vịt nhốt chuồng có sân chơi

Bà con bố trí máng ăn đặt bên trong chuồng nuôi. Còn máng uống đặt cố định xung quanh sân chơi, tiến hành thay nước thường xuyên trong ngày cho vịt.

Sân chơi phải được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt đối với các mô hình trang trại nuôi vịt đẻ trên cạn vì vịt sẽ giao phối trên nền khô, nếu sân ẩm ướt và bẩn thì khả năng con đực bị nhiễm trùng gai giao cấu là rất cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sinh sản cũng như chất lượng con giống.

Xung quanh sân chơi phải được quây bằng lưới có chiều cao ít nhất trên 1m để quản lý tốt hơn. Bên ngoài sân, bà con cũng có thể trồng cây lấy bóng râm, cây ăn quả lâu năm để sân chơi của vịt mát mẻ, thoáng kích thích chúng sinh trưởng tốt nhất. 

Lưu ý khi nuôi vịt sinh sản

Lưu ý chung

Khác với các mô hình nuôi vịt thương phẩm, khi nuôi vịt sinh sản, bà con phải theo dõi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp ngay từ ngày đầu tiên nuôi nhốt. Sau mỗi tuần tuổi phải điều chỉnh lượng thức ăn, hàm lượng dinh dưỡng, tỷ lệ phối trộn để cơ thể phát triển đúng với tiêu chuẩn. Có như vậy, khả năng sinh sản và chất lượng sinh sản mới tốt, cho sản lượng trứng cao.

Đối với vịt sinh sản, bà con có thể duy trì mật độ nuôi như sau:

Tuần tuổi Mật độ (con/m2)
1 tuần tuổi nuôi trên sàn lưới 28 – 32
Tuần 1 (sau khi nuôi trên sàn lưới) 26 – 28
Tuần 2 15 – 18
Tuần 3 + Tuần 4 8 – 10
Sinh sản 3 – 4

Nhu cầu nước của nuôi vịt siêu trứng trên cạn cần duy trì:

Ngày tuổi Nước uống (ml/con/ngày)
1 – 7 120
8 – 14 250
15 – 21 300
22 – 56 500

Độ dài của máng uống nước cho vịt siêu trứng từ 28 – 56 ngày tuổi là 16mm/con. Nước uống không được quá lạnh dưới 12 độ C, cũng không được quá cao trên 30 độ C. Trong thời gian đẻ trứng cần phải tăng lượng nước lên 600 – 700ml/con/ngày.

Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn: Vòi uống cho vịt con

Có thể sử dụng vòi uống nước thay thế máng uống

Bắt đầu từ thời điểm vịt đẻ trứng, bà con phải chiếu sáng từ 17 – 18 tiếng/ ngày để đảm bảo năng suất trứng. Cường độ chiếu sáng nên duy trì khoảng 5W/m2.

Bà con cần lưu ý nhu cầu thức ăn của vịt sinh sản như sau:

– Đối với giống vịt CV Super M, M2 CV2000: phải đảm bảo lượng thức ăn trong ngày có chứa từ 18 – 19% đạm thô, tổng năng lượng trong ngày cần cung cấp là 2700 Kcal.

– Đối với giống vịt siêu trứng Khaki Campbell: phải đảm bảo lượng đạm thô chiếm 17 – 18%, tổng năng lượng trong ngày đạt 2700 Kcal.

– 2 tuần kể từ giai đoạn hậu bị sang sinh sản cần tăng 10% lượng thức ăn trong ngày.

– Khi vịt đẻ quả trứng đầu tiên thì tăng lượng lượng thức ăn lên thêm 15%.- Khi tổng cả đàn có 5% vịt bắt đầu đẻ trứng thì bà con tăng lượng thức ăn trong khoảng 1 tuần. Sau đó cho vịt ăn uống tự do theo nhu cầu hàng ngày.

– Vịt siêu trứng cần phải có ổ đẻ. Chất độn chuồng trong ổ đẻ phải được thay thường xuyên.

Thời điểm khai thác trứng

Khi đàn vịt nuôi bắt đầu đẻ trứng, mỗi sáng vào khoảng 6 – 7 giờ, bà con ra chuồng nuôi để thu hoạch trứng vịt. Những quả trứng bẩn cần được rửa sạch sẽ, có thể rửa bằng Foocmon 0,9% sau đó đem bảo quản tại kho lạnh hoặc bảo quản bằng phương pháp thăng hoa.

Nếu chăn nuôi vịt kiêm dụng, bà con chỉ nên cho vịt đẻ khoảng 10 tháng. Vì nếu kéo dài tuổi đẻ thì thì lệ đẻ trứng có thể bị giảm từ 50 – 55% và sẽ tiếp tục giảm ở những tháng tiếp theo.

Cách dập vịt:

Cách dập vịt chỉ dành cho giống vịt siêu trứng. Còn đối với vịt kiêm dụng, bà con không nên áp dụng mà cứ cho chúng đẻ liên tục khoảng 10 tháng thì ngừng. Vì nếu dập vịt kiêm dụng thì tỷ lệ thịt mỡ tăng cao, kéo dài thêm thời gian đẻ trứng gây tổn hại về mặt kinh tế. 

Đối với vịt sinh sản, có 2 cách dập vịt:

  • Dập dợm – hạn chế thức ăn: cho vịt nhịn ăn và nhịn uống nước trong 2 ngày. Tuy nhiên phương pháp này không triệt để vì sau khi dập vẫn có một số con đẻ. Ngoài ra, tỷ lệ đẻ trứng năm sau sụt giảm so với năm trước.
  • Nhổ lông cánh và lông đuôi: Tuy sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng những với cách này thì vịt sẽ ngừng đẻ hoàn toàn. Đến năm thứ 2 tỉ lệ đẻ cũng tăng nhanh, phần lông đã nhổ mọc đồng đều.

>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi vịt siêu thịt

Thức ăn cho vịt nuôi trên cạn

 Vịt là loại thủy cầm ăn tạp, khả năng tiêu hóa khá tốt nên nguồn thức ăn của chúng cũng phong phú. Tuy nhiên, nhu cầu thức ăn của vịt hướng thịt và vịt hướng trứng sẽ có sự khác nhau để đảm bảo năng suất.

Vịt hướng thịt:

  • Từ 1 – 28 ngày tuổi cần năng lượng 2890 Kcal/kg thức ăn, tỉ lệ protein phải chiếm đến 22%.
  • Đến ngày thứ 28 thì cân toàn bộ đàn vịt, nếu chúng phát triển đồng đều, đạt số cân nặng đúng tiêu chuẩn thì giữ nguyên nhu cầu thức ăn của ngày 28. Nếu khối lượng tổng đàn tăng hơn thì bớt 5g/con/ngày, chưa đạt tiêu chuẩn thì thêm 5g/con/ngày.

Vịt hướng trứng:

  • 1 – 21 ngày tuổi: cung cấp 2980 Kcal năng lượng/kg thức ăn, tỷ lệ protein chiếm 20%.
  • 21 – 56 ngày tuổi cần cung cấp từ 72 – 74g thức ăn/ con/ ngày.

Nguồn thức ăn chính của vịt được chia thành các nhóm:

  • Thức ăn thô, xanh: bao gồm các loại hạt ngũ cốc như thóc, ngô, đậu, cao lương, cám, tấm. Các loại rau xanh
  • Thức ăn giàu đạm, protein: khô dầu đậu tương, bã đậu nành, khô lạc. Các loại protein có nguồn gốc động vật như tôm, cua, ốc, bột tôm, bột cá, bột thịt…
  • Thức ăn bổ sung vitamin, khoáng chất: Bổ sung các loại vitamin A, B1, D, E, K, bột đá vôi, bột sò, bột xương…

Thay vì sử dụng cám công nghiệp chăn nuôi vịt, bà con có thể tận dụng nguồn thức ăn tự sản xuất, giá thành rẻ, các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi.

Phụ phẩm được băm nghiền nhỏ bởi các loại máy băm nghiền đa năng sau đó phối trộn với nhau theo một tỉ lệ thích hợp nhất cho đàn vịt ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại tiết kiệm chi phí, cho sản lượng cao, đảm bảo thịt vịt sạch, không nhiễm độc, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Ngoài ra, bà con có thể đem cám đã trộn để ép thành cám viên cho vịt ăn bằng cách sử dụng các loại máy ép cám viên do Công ty CPĐT Tuấn Tú cung cấp.

Phòng bệnh cho đàn vịt

Dù nuôi vịt trên cạn theo phương thức nào thì trong quá trình nuôi, bà con cũng phải tiến hành phòng trừ dịch bệnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật:

– Dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thay chất độn chuồng hoặc bổ sung chất độn chuồng trong quá trình nuôi. Chất độn phải luôn tơi, xốp, khô ráo.

– Vệ sinh dụng cụ nuôi: máy móc thiết bị, máng ăn máng uống, trang phục… 

– Vệ sinh xung quanh khu vực nuôi, các rãnh thoát nước, thoát chất thải, hố chứa. Thường xuyên phát quan bụi rậm xung quanh chuồng nuôi.

– Sân chơi và vườn cây đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, về mùa nóng có bóng râm của cây để giảm nhiệt độ môi trường. Sau khi trời mưa phải kiểm tra xem có nước tù nước đọng không, nếu có thì cần xử lý ngay.

– Phải chú ý tiêu diệt các loại động vật gặm nhấm, chuột, rắn rết xung quanh chuồng nuôi. 

– Thức ăn không đảm bảo chất lượng cũng sẽ là nguồn phát sinh bệnh. Chính vì vậy, bà con cần có biện pháp bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát. Một số loại thức ăn cần sản xuất và ăn trong ngày, không nên để quá lâu, không sử dụng thức ăn ôi thiu, nấm mốc. Trường hợp mua các loại phụ phẩm nông nghiệp ở bên ngoài, bà con nên tiến hành kiểm tra độc tố trước khi cho vịt đẻ ăn.

– Đàn vịt mới nhập về phải được nuôi cách ly ít nhất từ 10 – 15 ngày để thuận tiện trong việc theo dõi.

Quan trọng trong quá trình phòng trừ bệnh dịch cho đàn vịt là bà còn cần tuân thủ lịch tiêm phòng và uống thuốc:

Ngày tuổi Thuốc và cách dùng
1 – 3

Dùng thuốc phòng chống nhiễm trùng rốn, các bệnh đường ruột:

– Streptomyxin 4 mmg/ con

– Neotesol, Tetraxyclin. Cloroxyl 60 mmg/kg O

– Bổ sung vitamin thay dầu cá 

10 – 15

Tiêm phòng vacxin dịch tả ở dưới da

Bổ sung vitamin và kháng sinh như: Cloramphenicol, Neomyxin, Triquin để phòng tụ huyết trùng và phó thương hàn trong 3 ngày liền

56 – 60

Tiêm vacxin dịch tả lần 2

Bổ sung vitamin và kháng sinh

Giai đoạn nuôi hậu bị Chú ý sự biến động của thời tiết.Bổ sung kháng sinh phòng bệnh 1 – 2 tháng 1 lần nhưng phải thay đổi loại thuốc dùng.
Trước khi cho vịt vào đẻ Tiêm vacxin dịch tả lần 3Bổ sung vitamin và kháng sinh
Sau khi vào đẻ từ 4- 5 tháng Tiêm vacxin dịch tả lần 4

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi vịt trên cạn đầy đủ nhất. Bà con nên tham khảo để có kiến thức trước khi phát triển mô hình chăn nuôi của mình. Chúc bà con thành công.

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!