Trọn bộ kỹ thuật trồng cây mắc ca: chọn giống, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch

Nhu cầu hạt macca trên thế giới cao gấp 4 lần các loại nông sản khác và đang tiếp tục tăng. Bởi vậy nếu bà con đang băn khoăn trồng cây gì để thu nhập cao thì mắc ca chính là một lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên vùng nào thích hợp trồng cây mắc ca? Cách trồng, chăm sóc, thu hoạch như thế nào để giữ được chất lượng, cho năng suất cao nhất? Tất cả kỹ thuật trồng cây mắc ca sẽ được may3a.com chia sẻ chi tiết dưới đây. Mời bà con theo dõi.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (01)

1. Giới thiệu cây mắc ca

Cây mắc ca (tên khoa học là macadamia) là cây thân gỗ lớn, cao từ 15 – 18m, có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Queensland và miền Bắc New South Wales ở Australia.

Mắc ca là tên gọi chung để chỉ 2 loại có giá trị thương mại cao nhất: macca vỏ trơn (Macadamia integrifolia Maiden & Betche) và macca vỏ sần (Macadamia tetraphylla L. Jhonson). Ngoài ra còn có loại lai giữa 2 giống này.

Cây mắc ca bắt đầu được trồng ở Tây Bắc Việt Nam từ năm 2002. Sau 10 năm trồng thử nghiệm, các nhà nghiên cứu kết luận có 2 vùng thích hợp nhất trồng mắc ca đó là Tây Bắc và Tây Nguyên.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (02)

Một năm macca có 3 – 4 lần ra lộc, trung bình mất khoảng 40 ngày từ khi ra chồi đến khi thành thục. Hoa mắc ca nở vào khoảng tháng 3, 4 dương lịch. Mỗi nhánh đều ra nhất nhiều hoa, mỗi bông đuôi sóc có thể có từ 100 – 300 bông, tuy nhiên tỉ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 0,1 – 0,3% trên tổng số hoa nở. Nếu trong giai đoạn nở hoa mà thời tiết nắng gắt thì hoa sẽ bị rụng hoặc không đậu quả. Hạt mắc ca là sản phẩm chính được thu hoạch. Hạt có màu trắng ngả vàng chứa nhiều chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon, được mệnh danh là Hoàng hậu quả khô được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng sử dụng.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (03)

Hiện nay, giá quả mắc ca tách sẵn nhân từ 900.000 – 1.000.000 đồng/kg. Vậy hạt mắc ca dùng để làm gì? Trong hạt mắc ca chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng bảo vệ tim mạch, tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, cung cấp hàm lượng chất xơ dồi dào, giúp làm đẹp da… Loại hạt này được dùng để làm thực phẩm ăn trực tiếp. làm sữa, làm socola, làm bánh, chiết xuất mỹ phẩm, làm thực phẩm chức năng…

2. Đặc điểm sinh trưởng

Về khí hậu: Cây mắc ca sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu mát mẻ, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, khả năng chịu hạn và chịu mưa ẩm đều tốt, tương thích với kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.

Về nhiệt độ: Giống cây mắc ca sinh trưởng được trong phạm vi biến nhiệt tự 12 – 32 độ C. Trong đó, nhiệt độ tối ưu để cây ra hoa nhiều, đúng dịp là từ 12 – 21 độ C, tốt nhất là khoảng 18 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn phạm vi đó thì hoa sẽ không nở được.

Lượng mưa trung bình: 700 – 3.000mm, thích hợp nhất nên từ 1.500  – 2.500mm. Tuy nhiên mắc ca không thể chịu được ngập úng, thời gian bị ngập úng tối đa không quá 10 ngày nên người trồng phải đặc biệt chú ý đến yếu tố này.

Về đất đai: Cây macadamia sinh trưởng được trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ bazan, đất sét mùn pha cát, đất có nguồn gốc núi lửa, đất có lẫn đá ong, đất sét nặng. Loại đất phù hợp nhất là đất thịt nhẹ đến trung bình, độ ẩm trong đất phải được duy trì quanh năm, tầng đất sau trên 1m hơi chua. Độ pH thích hợp nhất nên trong khoảng 5,5 – 6,5.

Cây macadamia không ưa đất kiềm, đất phèn mặt, đất đá vôi, đất đá ong thoái hóa nghiêm trọng, vùng đất chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió Lào, đất Feralit…

Về địa hình: Khu vực đất trồng có độ cao trung bình từ 300 – 1.200mm so với mặt nước biển. Địa hình trồng cây phải ít bão gió, nên có những cách rừng chắn gió.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (04)

Tổng hợp yếu tố sinh thái cho trồng cây mắc ca:

Yếu tố Biên độ thích hợp
Nhiệt độ tối ưu (độ C) 12 – 32
Nhiệt độ mùa ra hoa (độ C) 18 – 21
Lượng mưa tối ưu (mm) 1.500 – 2.500
Loại đất Nhiều loại đất khác nhau. Tốt nhất ở đất thịt nhẹ, đến trung bình.
Kết cấu đất Tơi xốp, dễ thoát nước, không bị ngập úng, tầng canh tác dày, giàu chất hữu cơ.
Độ dốc (độ) < 15
Độ pH 5,5 – 6,5
Độ cao Địa hình so với mặt nước biển (mm) 300 – 1.200

3. Kỹ thuật trồng cây mắc ca

3.1 Cây giống

Các giống cây mắc ca được trồng phổ biến ở Việt Nam:

 Hiện nay ở nước ta có khoảng 23 giống cây macca được chọn lọc và trồng cho năng suất cao, gồm: 246, 344, 508, 660, 741, 781, 814, 816, 842, 849, 800, H2, OC, Daddow, A4, A16, A38, A203, A268 và QN1. 

  • Giống cây chịu gió tốt: OC, 344, 333, 741, 660, 695.
  • Giống cây chịu gió kém: 800, 246, 508, H2, 294.

Trong đó có 2 giống được trồng phổ biến và có triển vọng hơn cả:

  • Giống cây mắc ca H2: Nếu chăm sóc ổn định sẽ cho năng suất khoảng 10 năm, đạt 18kg/cây/năm. Trông thử nghiệm tại Buôn Ma Thuột cho tuổi thọ 7 năm, năng suất từ 8 – 10kg/năm/cây, tỉ lệ nhân cấp 1 từ 85 – 90%/hạt.
  • Giống Mắc ca OC (Own choice): là giống cây lùn, khả năng chịu gió tốt, có thể trồng ở những vùng nhiều gió bão, kháng bệnh tốt, có thể trồng xen canh với cây ăn quả khác. Nếu chăm sóc tốt, cây sẽ cho năng suất kéo dài khoảng 10 năm, đạt 26kg/cây/năm. Trồng thử nghiệm ở Buôn Ma Thuột có tuổi thọ 7 năm, năng suất 8 – 12kg/cây/năm, tỷ lệ nhân cấp 1 đạt 95 – 100%/hạt.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (05)

Kỹ thuật chọn giống:

Bà con có thể chủ động thực hiện các phương pháp nhân giống trong vườn ươm hoặc mua cây giống bên ngoài. Hiện nay có 3 phương pháp nhân giống mắc ca: trồng từ hạt, cắt cành giâm gom và trồng cây ghép mầm ngon trên gốc cây đã trồng từ hạt. Trong đó, phương pháp ghép cây cho năng suất và khả năng sinh trưởng tốt nhất, tránh tình trạng thụ phấn chéo.

Kỹ thuật chọn giống yêu cầu:

  • Cây giống mua ngoài phải là loại cây ghép đạt trên 6 tháng.
  • Chiều cao trung bình từ 50 – 70cm, có thể chọn cây cao 1m.
  • Cây con khỏe mạnh, không có bệnh tật, có chồi non, bộ rễ phát triển khỏe mạnh.
  • Vết chồi ghép đã liền sẹo, chiều cao của cây ghép cao trên 50cm.
  • Cổ rễ có đường kính từ 1 – 1,5cm.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (06)

Mua giống mắc ca ở đâu? Bà con phải chọn mua giống ở địa chỉ uy tín, chất lượng. Một số địa chỉ để bà con tham khảo như: trung tâm chuyển giao công nghệ và hợp tác trang trại VIETGAP (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, Nhà vườn Tân Phú (Chương Mỹ, Hà Nội), vườn ươm Mắc ca tại trung tập giống Mắc ca Ba Vì (Hà Nội)…

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (07)

3.2 Thời vụ trồng và mật độ

Thời vụ trồng cây:

Miền Bắc nên trồng vào đầu mùa Xuân, ở khu vực Tây nguyên nên trồng vào đầu mùa Mưa để tiết kiệm nước tưới tiêu. Bà con có thể tham khảo thời vụ trồng như sau:

Phương thức trồng Thời vụ trồng (tháng)
Trồng thuần Tây Bắc: tháng 4 – 5, tháng 7 – 8 
Tây Nguyên: 6 – 8
Miền Trung: tháng 2 – 3
Trồng xen canh (cà phê, hồ tiêu, cây chè) Tây Bắc: tháng 4 – 5, tháng 7 – 8
Tây Nguyên: 6 – 8

Mật độ trồng thích hợp:

  • Đối với vùng đất thông thoáng, nhiều ánh sáng mặt trời thì mật độ thích hợp là 277 cây/ha. Khoảng cách thích hợp: cây cách cây 4,5m, hàng cách hàng 8m.
  • Vùng địa hình dốc, mật độ thích hợp nên trồng là 200 – 222 cây/ha. Khoảng cách trồng: cây cách cây 5m, hàng cách hàng 9 – 10m.

Tùy thuộc vào từng giống cây, phương thức trồng xen canh hay không mà bà con có thể tham khảo trực tiếp ý kiến của các chủ vườn cây giống hoặc mật độ trồng sau: 

  • Mật độ trồng: 400 cây/ha, tương đương khoảng cách 5 x 5m.
  • Mật độ trồng: 313 cây/ha, tương đương khoảng cách 4 x 8m
  • Mật độ trồng: 286 cây/ha, tương đương khoảng cách 5 x 7m.
  • Mật độ trồng: 250 cây/ha, tương đương khoảng cách 5 x 8m.
  • Mật độ trồng xen canh với cà phê: 124 cây/ha, tương đương khoảng cách 9 x 9m; 138 cây/ha, tương đương 12 x 6m.
  • Mật độ trồng xen canh với cây hồ tiêu: 124 cây/ha, tương đương khoảng cách 9 x 9m.
  • Mật độ trồng xen canh với cây chè: 111 cây/ha, tương đương khoảng cách 15 x 6m.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (08)

3.3 Xử lý thực bì, làm đất, đào hố, bón lót

Xử lý thực bì: Khu vực trồng cây macadamia cần phát quang, làm sạch cỏ dại để tránh mầm bệnh gây hại hoặc cây cỏ dại tranh giành dinh dưỡng. Tiến hành đốt, dọn sạch cỏ dại, dây leo, bụi rậm xung quanh. 

Làm đất: Độ dốc của khu đất trồng thích hợp dưới 15 độ, nếu trên 20 độ thì phải cuốc bậc thang theo đường đồng mức, có mặt bằng rộng 2 – 4m. Xung quanh vị trí đào hố trồng cây, phạm vi bán kính là 1,5 – 2m2 phải cuốc lật đất lên để đảm bảo độ thông thoáng cho cây trồng.

Đào hố trồng cây: Tính toán khoảng cách các hố  phù hợp với mật độ cây trồng để tăng diện tích tiếp xúc của mặt lá với ánh sáng, giúp cây quang hợp tốt nhất. Vì bộ rễ của cây mắc ca khó ăn sâu nên kích thước hố trồng phải lớn, đủ sâu, đất có tầng kết cứng: 1 x 1 x 1m hoặc 80 x 80 x 80cm. Lấy một cọc tiêu làm tâm và đào hố xung quanh, đất đào lên phải tách đất đáy và đất mặt, để sang 2 bên riêng biệt và phơi ải từ 1 – 3 tháng sau đó mới lấp hố. Tiến hành lấp hố 1 – 2 tháng trước khi trồng cây.

Bón lót: Tiến hành bón lót cho hố trước 1 – 1,5 tháng trồng cây. Trộn lớp đất mặt cùng với 10kg phân chuồng ủ hoai mục + 300gr vôi bột (điều chỉnh theo độ pH của đất) + 100 – 150gr phân lân nung chảy (nếu đất nghèo lân) bón cho mỗi hố rồi lấp đất lại, dậm đất hơi chật, vun cao 10 – 20cm, để 20 ngày.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (09)

3.4 Cách trồng cây mắc ca

Dùng cuốc đào một hố sâu 40cm ở giữa hố, chiều rộng vừa đủ đặt bầu cây. Lấy dao tách vỏ bầu nilon ra ngoài, nhẹ nhàng đặt bầu cây ở giữa hố đất, thẳng đứng, vun đất lấp quanh gốc khoảng 40cm thành hình mai rùa, nén chặt, cho thêm đất vào gốc cây, cao hơn mặt đất khoảng 5cm. Nếu trồng trên đất bằng phẳng thì nên trồng các hàng theo hướng Bắc – Nam để đón ánh sáng mặt trời giúp lá cây quang hợp.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (10)

Sau khi trồng, dùng 3 cây cọc cứng chắc, dài từ 60 – 80cm cắm thành hình tam giác xung quanh cây, cách gốc 40 – 50cm, dùng dây buộc chụm đầu phía trên của 3 cọc với thân cây (vị trí đầu buộc nằm ở ⅔ thân cây, tạo thành một góc 60 độ) để giữ cho cây con không bị gió làm nghiêng.

4. Kỹ thuật chăm sóc

4.1 Chăm sóc

Sau khi trồng nên tụ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô dày từ 4 – 5cm, bán kính 1m quanh hốc để tránh bốc hơi nước, duy trì độ ẩm, giúp bộ rễ phát triển tốt, đồng thời hạn chế cỏ dại mọc hút dinh dưỡng.

Nếu thời tiết khô hạn thì phải tưới nước giữ ẩm ít nhất 20 ngày để rễ ăn sâu ra đất, chồi non phát triển.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (11)

Thăm khu vực đất trồng thường xuyên, nếu ở vị trí ghép còn có vật liệu bó vết ghép thì phải gỡ bỏ ngay để cây bén chồi từ gốc ghép. Nếu phát hiện cây bị chết thì phải trồng dặm, thực hiện cách trồng cây giống mắc ca như bình thường.

Mỗi năm cần tiến hành 2 lần các công việc chăm sóc: xới xáo đất, làm sạch cỏ trong phạm vi bán kính 0,8 -1m. 

4.2 Bón thúc

Thời điểm bón thúc: Từ 0 – 2 năm tuổi tiến hành bón vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Thời kỳ kiến thiết từ 2 năm tuổi trở lên thì bón phân vào tháng 1 – 2 hàng năm. Thời kỳ cây bắt đầu cho thu hoạch quả thì bón vào sau khi thu hoạch và sau khi làm cỏ, dọn dẹp tỉa cành.

Cuốc rãnh: khi bón phải tiến hành cuốc một rãnh rộng và sâu 25 – 35cm rộng ra theo chiều tán lá.Cách bón phân cho cây mắc ca: chia làm nhiều lần bón trong năm. Khi bón thúc, trước tiên rải đều phân chuồng xuống dưới, tiếp theo rắc đều vôi bột, cuốc lấy một ít đất mỏng ở trên mặt xuống rãnh trộn đều, cuống cùng rải đều phân NPK và lấp đất lại.

Thời gian bón phân:

+ Từ khi trồng đến khi cây được 2 năm tuổi: Cây trồng được 20 ngày tuổi bắt đầu bén rễ, sau 30 ngày thì ra lộc, thời điểm này cần bón thúc cho cây sớm thành thục:

Lần bón Ngày sau trồng Lượng phân (gr/gốc)
Urê NPK 20:20:15
1 20 10 15
2 40 10 15
3 60 10 15
4 80 10 15

Trong 2 năm đầu tiên chỉ nên bón 100gr NPK/cây/năm, chia làm 4 lần bón trong năm.

+ Cây từ 2 năm tuổi trở lên

Thời gian bón Phân chuồng hoai mục (kg) NPK (kg) Vôi bột (kg)
Năm 2 10 – 20 0,1 0,1
Năm 3 20 – 30 0,2 0,1
Năm 4 30 – 40 0,3 0,1
Năm 5 40 – 50 0,4 0,1

+ Thời điểm bắt đầu cho thu hoạch

  • Sau khi thu hoạch xong: Urê 3- 600 gam, Lân 1- 3 ký, Kali 2- 400 gam.
  • Trước khi cây ra hoa: Urê 2- 300 gam, Lân 1- 2 ký, Kali 2- 400 gam.
  • Trong thời kỳ cây nuôi trái: Khi đậu quả và khi quả có đường kính 1cm bón phân Phân N:P: K 16.16.8, liều 200- 300 gam/lần/cây.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (12)

4.3 Tỉa cành tạo tán

Bà con phải định kỳ tỉa cành, tạo tán trong 3 năm đầu để cây mọc đẹp, thẳng, ra quả năng suất cao. Thực hiện cắt ngọn tạo tán trong 3 lần:

+ Lần 1: khi cây cao trên 1,5m mà chưa phân cành hoặc cành cấp 1 dài ra 80cm thì phải bấm ngọn tạo tán.

+ Lần 2: khi cành cấp 2 cao quá 80cm thì phải tiến hành bấm ngọn lần 2, duy trì khoảng cách giữa ngọn cành và vị trí bấm lần 1 lần 60 – 80cm.

+ Lần 3: Tiến hành bấm ngọn khi cành cấp 3 cao vượt quá 80cm, bấm ngọn sao cho khoảng cách giữa vị trí bấm lần 2 và lần 3 cách nhau 60 – 80cm.

Tỉa bớt cành cây bị sâu bệnh, yếu. Cành nào có chồi mọc nhiều quá thì cũng nên tỉa bớt, trung bình 1 cành chỉ từ 2 – 3 chồi. Khi trồng thuần giống cây mắc ca, độ cao của tán cây chỉ nên duy trì từ 1 – 1,2m. 

4.4 Tưới nước

Cây giống mắc ca là cây chịu khô hạn tương đối tốt. Song bà con vẫn phải cung cấp đủ nước, đặc biệt là thời kỳ ra hoa, đậu quả, tránh tình trạng bị rụng quả non.

Cây trên 20 ngày tuổi, bà con duy trì tưới 1 lần/tuần trong 2 tháng tiếp theo, lượng nước từ 10 – 15 lít/cây. Nếu thời tiết khô hạn thì tươi 20 lít nước.

Khi cây lớn, bộ rễ phát triển ổn định thì có thể duy trì 30 lít/gốc/lần tưới Thời kỳ cây bắt đầu cho thu hoạch, người trồng có thể áp dụng phương pháp xiết nước ức chế ra hoa.

Phương pháp xiết nước ra hoa: tiến hành tưới đồng loạt vào tháng 1 dương đến đầu tháng 3 cây bắt đầu ra hoa. Đến giữa tháng 3 thì nên bón thêm phân lân và tưới thêm nước.

5. Phòng trừ sâu bệnh hại 

Cách phòng trừ sâu bệnh hại:

– Định kỳ quét vôi quanh gốc 2 lần/năm: Lần 1 từ tháng 12 đến tháng 1. Lần 2 từ tháng 7 – 8.

– Cách quét vôi: với đất ở dưới gốc sâu xuống 2cm, quét từ gốc lên thân vào khoảng 50 – 80cm.

– Kiểm tra cắt tỉa cành, dọn dẹp vườn trồng, dùng thuốc trừ sâu bệnh đúng lúc. 

Bệnh thường gặp trên mắc ca:

Bệnh ở mắc ca Triệu chứng Phòng trị
Bệnh thối hoa Trên đài hoa xuất hiện lốm đốm màu vàng. Sau đó hoa bắt đầu khô héo, rụng. Nếu bệnh thối hoa rơi vào mùa mưa ẩm thì hoa có thể biến thành màu xám hoặc đen. Trồng đúng mật độ. Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện sớm và dùng thuốc phun Benomyl, Carbendazim, Thiophanate-methyl… Để lâu thuốc phun không có hiệu quả.
Bệnh vỏ quả có nốt Vỏ quả xuất hiện nốt vàng hạt rồi chuyển dần thành vàng đậm, nâu, lan rộng 5 – 15mm. Cuối cùng chuyển sang màu đen. Dùng Cupric Hydroxide Cu(OH)2 77% pha loãng 300 – 800 lần đem phun trên lô bị bệnh. 
Phun 1 tháng/lần, kéo dài trong 3 tháng.
Bệnh nấm hại thân cây Bệnh diễn ra ở thân và cành, lâu dần sẽ lan sang lá làm cho cành lá bị khô, chết. Kiểm tra vườn thường xuyên.
Nếu trên thân có nhựa chảy thì dùng dao cạo hết đi, sau đó dùng hóa chất Ridomil Gold 68WP, Ridomil Mz 72WP…hòa với nước 30 – 50g/lít quét lên vết bệnh.
Hoặc dùng nấm Trichoderma 1kg trộn với 40kg phân chuồng để chôn dưới gốc cây. 
Bệnh hại rễ cây Rễ bị hóa gỗ, sinh u bướu làm cho cây phát triển kém. Trồng ở nơi thoát nước tốt, không bị ngập úng.
Kiểm tra cây giống trước khi trồng.

Ngoài ra, bà con cũng phải để phòng một số loại côn trùng gây bệnh thời điểm cây ra hoa, đậu quả, nhất là bọ xít. Có thể đặt bẫy hoặc dùng thuốc phun kiểm soát côn trùng.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (13)

Có thể dùng chế phẩm sinh học EM pha thứ cấp để định kỳ tưới lên cây theo chỉ dẫn nhằm giảm côn trùng gây hại, tạo vi sinh vật đối kháng cho cây giúp tiêu diệt ấu trùng, trứng để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

6. Trồng xen cây ngắn ngày

Từ năm 2006, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trồng thử nghiệm xen canh mắc ca với cà phê vối, cà phê chè, ca cao. Kết quả đều cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt.

7. Thu hoạch, phân loại, xử lý bảo quản sau thu hoạch

Thu hoạch mắc ca vào thời điểm nào?

Mùa quả macca chín rụng là từ tháng 8 – 10 ở phía Bắc và từ tháng 7  9 ở Tây Nguyên, thời gian chín rụng kéo dài. Tính từ thời điểm ra hoa đến khi quả chín là khoảng 215 ngày, lúc chín quả sẽ tự rụng. Bà con cần theo dõi ngày ra hoa để dự kiến thu hoạch, tránh chuột tấn công hoặc bị thối hỏng.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (14)

Chuẩn bị trước thu hoạch:

Trước khi cây cho thu hoạch khoảng 1 – 2 tuần, bà con phải dọn dẹp vệ sinh vườn trồng, làm sạch cỏ dại, cỏ khô, rác, chướng ngại vật. Ngoài ra, trước thu hoạch 1 tháng, không được món gân và dùng thuốc diệt cỏ.

Kỹ thuật thu hoạch mắc ca:

Cách 2 tuần thu hoạch 1 lần, không nên để lâu quả dễ bị thối hoặc bị chuột, sóc tấn công. Có thể thu bằng tay hoặc máy. Để việc thu hoạch tiết kiệm thời gian, bà con có thể dùng lưới nilon lớn phủ dưới gốc cây, có phễu cho quả rụng xuống sau đó dùng máy hút quả thu gom lại.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (15)

Cách phân loại hạt mắc ca sau khi thu hoạch:

Sau khi thu hoạch, cần phân loại riêng các hạt dùng làm giống, đem bảo quản và gieo càng sớm càng tốt, để lâu sẽ giảm tỉ lệ nảy mầm.

Hạt dùng để xuất bán phải xử lý ngay do lúc này hàm lượng nước đang cao tới 30 – 45%, không để quá 24 giờ sau khi thu hoạch về.

Xử lý bảo quản mắc ca sau thu hoạch như thế nào?

Tiến hành tách vỏ quả, sấy khô hạt để giảm lượng nước xuống còn 10%. Nếu không đủ nhân công để tách hết vỏ thì số quả còn lại phải đem rải đều mỏng trên nền nhà, bật quạt làm mát và thoáng khí, tuyệt đối không được đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Cách bóc vỏ quả mắc ca sau khi thu hoạch bằng tay: bà con dùng búa gỗ có nệm cao su mỏng ở đe búa ghi quả xuống rồi dùng chày gõ nhẹ để đập vỡ vỏ quả, lấy hạt bên trong. Phần vỏ sau khi tách có thể đem ủ với men vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng trong vụ tiếp theo.

Tuy nhiên bóc bằng tay dễ làm hạt bị sây sát, giảm chất lượng. Do đó bà con nên sử dụng thiết bị, máy tách vỏ để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng, giảm chi phí thuê nhân công.

Sấy khô hạt mắc ca:

Bà con phải tiến hành sấy khô hạt ngay sau khi bóc nếu không sấy mà để trồng lên nhau thì nhiệt độ tăng nhanh, làm nhân biến mất. Cách sấy khô như sau:

+ Làm khô tự nhiên: Rải đều hạt lên nền nhà hoặc nền phòng có mái che, thoáng khí. Nếu diện tích nhỏ thì bà con có thể hàn các giá đỡ thành nhiều tầng, rải đều hạt trên giá với độ dày từ 10 – 20cm, một tuần đảo một lần. Kéo dài như vậy đến 6 tuần hạt sẽ khô, lượng nước giảm còn khoảng 10%.

+ Làm khô nhân tạo: Nếu quy mô rộng, bà con có thể sử dụng các loại máy sấy khô để rút hàm lượng nước xuống thấp nhất (1,5%). Nhiệt độ sấy như sau: 5 – 7 ngày duy trì 32 độ C; Từ 1 – 2 ngày tiếp theo tăng từ 32 lên 38 độ C; Từ 1 – 2 ngày nữa tăng từ 38 lên 50 độ C, giữ nguyên đến khi hạt khô.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca (17)

Với các vùng trồng có quy mô rộng lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, khép kín thì có thể tiến hành thêm một số bước: bóc vỏ hạt sau khi sấy khô, chia thành nhóm hạt nguyên và hạt vỡ, sau đó tiếp tục phân cấp thành 8 loại kích cỡ khác nhau (đặt tên từ Style 0 đến Style 8). Nhân mắc ca như vậy có giá trị kinh tế rất cao.

Cây mắc ca có giá trị kinh tế cao, hội tụ nhiều cơ hội thuận lợi để mở ra một tương lai mới. Giống cây này đang được nhà nước quan tâm phát triển hướng tới trở thành một cây nông nghiệp chính của Việt Nam. Tuy nhiên bà con chỉ nên mở rộng thâm canh ở những vùng đã được thử nghiệm thành công để cho năng suất, chất lượng tốt nhất. Chúc bà con sớm thành công với kỹ thuật trồng cây mắc ca

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!