Cách nuôi vịt nhanh lớn, rút ngắn thời gian chăm sóc, đạt hiệu quả cao
Nuôi vịt không cần quá nhiều vốn, quy mô chăn nuôi có thể thay đổi linh hoạt. Tuy nhiên thực tế do chưa nắm được kỹ thuật nên nhiều trang trại, nông hộ nuôi vịt gặp phải tình trạng dịch bệnh chết hàng loạt, vịt chậm lớn, tỷ lệ thịt – trứng kém, giá trị kinh tế thấp… Để khắc phục tình trạng trên, giúp bà con có kiến thức và kỹ thuật chăm sóc vịt bài bản may3a.com tiếp tục chia sẻ cách nuôi vịt nhanh lớn, cho chất lượng tốt, hiệu quả cao. Mời bà con theo dõi.
Nội dung bài viết
Cách chọn vịt giống
Các giống vịt
Căn cứ vào mục đích kinh tế, giống vịt được chia ra làm 3 loại: Vịt chuyên hướng thịt, vịt chuyên hướng trứng và vịt kiêm dụng. Tùy thuộc vào nhu cầu chăn nuôi của mỗi trang trại, hộ gia đình mà lựa chọn giống nuôi phù hợp.
– Giống vịt chuyên hướng thịt thường có tầm vóc lớn, khả năng tăng trọng nhanh. Tuy nhiên đi lại chậm chạp, ít kêu, khả năng kiếm mồi không cao, dễ nuôi tập trung thành từng đàn lớn, bao gồm: Vịt CV, super M, M2, M2 cải tiến, vịt Xiêm, vịt Anh Đào, vịt Bắc Kinh, vịt Cherry Valley, vịt nông nghiệp.
– Giống vịt siêu trứng thường có tầm vóc nhỏ hơn nhưng lại cho sản lượng trứng cao, tuổi thành thục sớm, khả năng kiếm mồi giỏi nên không tiêu tốn nhiều thức ăn. Vịt siêu trứng có thể nuôi cả trên cạn và dưới nước. Có thể kể đến một số giống vịt siêu trứng như: vịt Campbell (nhóm lông xám, nhóm lông trắng, nhóm lông khaki), vịt Ấn Độ (nhóm lông sôcla, lông vàng, lông trắng), vịt CV 2000 Layer, vịt cỏ…
– Giống vịt nuôi kiêm dụng có khả năng cho cả thịt và trứng với sản lượng tương đối lớn. Đặc điểm của giống vịt này là khối lượng cơ thể ở mức trung bình, nhỏ hơn vịt hướng thịt và to hơn vịt hướng trứng. Một số giống bà con có thể chọn để nuôi như: vịt Bầu, vịt Bạch Tuyết (kết quả lai giữa vịt Anh Đào và vịt Cỏ), vịt Kỳ Lừa (vịt Lạng Sơn), vịt Mốc (gần giống với vịt Khaki Campbell, được nuôi nhiều ở Bình Định), vịt đốm Lạng Sơn…
Yêu cầu của vịt giống
Nên chọn mua vịt ở những trại giống uy tín, được nhiều người tin tưởng, vịt phải có nguồn gốc giống rõ ràng, không bị lai tạp, có giấy kiểm dịch xuất bán. Nếu có thể thì phải xem xét đến đời bố mẹ, ông bà ở các tiêu chí như tỷ lệ nuôi sống, năng suất đẻ, chất lượng trứng, thịt…
Chọn vịt con nở đúng 28 ngày, nếu nở quá sớm hoặc quá muộn thì tỉ lệ chết đều cao. Chọn những con khỏe mạnh, không bị bệnh, mắt tinh, đi lại nhanh nhẹn, lông không bị bết dính.
Tỉ lệ trống – mái:
- Đối với vịt nuôi hướng thịt: cứ 1 con trống nuôi với 4 – 5 con mái.
- Đối với vịt nuôi hướng trứng: cứ 1 con trống nuôi với 8 – 10 con cái.
Chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi
Nuôi chăn thả
Nuôi chăn thả phù hợp với vùng có bãi chăn rộng, có đồng cỏ tự nhiên, đồng ruộng, lương thực, có cây che bóng mát, khu vực để vịt đi lại, nghỉ ngơi, bơi lội. Nuôi chăn thả yêu cầu phải có nguồn nước để bơi lội.
Chuồng nuôi làm độc lập với nhà ở, làm cạnh nguồn nước có thời gian chiếu sáng tối thiểu là 3 tiếng/ngày. Chuồng nuôi chăn thả có thể làm theo các hình thức sau:
- Làm chuồng trên bờ ao
- Làm chuồng nuôi vịt trên đồng ruộng nhưng có khoanh vùng kiểm soát. Với hình thức này, tuy vịt được chăn thả tự nhiên trên đồng ruộng nhưng chỉ ở trong một phạm vi giới hạn nhất định tránh phá hoại mùa màng.
Nuôi thâm canh
Nuôi thâm canh trên cạn được áp dụng với các trang trại không có lợi thế về ao nuôi. Nuôi thâm canh trên cạn có các hình thức sau:
- Nuôi nhốt kết hợp trồng cây
- Nuôi vịt nhốt chuồng hoàn toàn – hình thức nuôi thâm canh công nghiệp phù hợp với trang trại vừa và lớn.
- Nuôi vịt nhốt chuồng có sân chơi trên cạn
- Nuôi vịt trên sàn lưới
Chuồng nuôi vịt cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Cao ráo, thoáng mát phù hợp với quy mô chăn nuôi nhưng cần vào mùa hè, ấm về mùa đông.
– Vị trí làm chuồng phải thuận tiện để chăm sóc, quản lý, tránh để thất thoát. Chuồng trại chăn nuôi vịt công nghiệp cần phải cách xa khu dân cư, khu đô thị, trường học, nhà ở, bệnh viện.
– Nên làm chuồng theo hướng Đông là phù hợp nhất.
– Khu vực chuồng nuôi nhốt vịt cần áp dụng các phương án diệt chuột, rắn, kẻ thù địch gây hại.
– Nền gạch láng xi măng hoặc lát gạch đỏ phẳng dễ thoát nước quét dọn.
– Trong chuồng nuôi phải có chất độn chuồng là mùn cưa, vỏ trấu hoặc xơ dừa… Chất độn chuồng được phơi khô, khử trùng bằng formol và thuốc tím liều lượng 36g – 18g/100 lít nước.
– Nếu làm chuồng nuôi trên cạn có sân chơi thì diện tích sân chơi phải rộng gấp 3 lần chuồng. Làm kiểu chuồng có sân chơi và chăn thả thì 1 diện tích – 2 sân chơi – 3 chăn thả.
– Trong chuồng phải được ngăn cách thành các khu riêng biệt: úm vịt (gột vịt), nuôi hậu bị, nuôi vịt sinh sản, nuôi vịt hướng trứng. Cách làm chuồng vịt cho từng giai đoạn như sau:
- Làm lồng quây úm vịt con, trung bình một lồng úm nuôi được khoảng 100 – 200 con vịt. Có thể sử dụng tre hoặc cót làm lồng úm. Bên trong bố trí đầy đủ máng ăn, máng uống, bóng đèn sưởi.
- Chuồng nuôi hậu bị cần bố trí thêm sân chơi, có thể là bãi cát rộng ,vườn cây, bãi cỏ, sân gạch, sân bê tông. Khoảng cách máng ăn và máng uống cách nhau 2 – 3m.
- Chuồng nuôi vịt sinh sản không gần khu vực đi lại hay khu có ánh sáng tác động mạnh, đột ngột. Diện tích chuồng đảm bảo mật độ 3 – 4 con/m2. Trong chuồng đẻ phải có ổ đẻ với kích thước 35cm x 35cm x 35cm hoặc lót rơm rạ cuộn tròn. Ngoài chuồng đẻ có sân chơi.
- Chuồng nuôi vịt siêu thịt, cần đảm bảo chiều dài 12m, chiều rộng 6m đủ nuôi 1500 – 2000 vịt thịt trong 2 tuần đầu.
Các dụng cụ trong chuồng nuôi vịt gồm:
– Máng ăn: kích thước máng ăn khoảng 70 x 50 x 2,5cm cho 70 – 100 con/máng. Giai đoạn nuôi vịt hậu bị và công nghiệp thì cần máng 70 x 50 x 5cm. Máng ăn làm bằng tôn, xung quanh các mép uốn cong xuống dưới để không làm tổn thương vịt.
– Máng uống: Giai đoạn nuôi úm vịt con thì dùng máng tròn loại 2 lít. Từ 3- 8 tuần tuổi sử dụng máng tròn loại 5 lít để đựng nước cho vịt.
– Chụp sưởi/đèn sưởi: để cung cấp ánh sáng và điều chỉnh nhiệt độ giai đoạn úm vịt con. Thông thường sử dụng bóng đèn 75W cho 25m2.
>> Xem thêm: Cách nuôi vịt con đúng kỹ thuật
Cách chăm sóc
Chăm sóc vịt giai đoạn từ khi mới nở đến 30 ngày tuổi:
Giai đoạn vịt con mới nở khả năng tự điều tiết thân nhiệt chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần nắm được cách nuôi vịt con mới nở để tăng tỉ lệ sống sót, giảm hao hụt.
Tuần đầu tiên sau khi mới nở có thể nuôi với mật độ 30 – 35 con/m2. Tuần 2 – 3 nuôi với mật độ 15 – 20 con/m2. Nếu là vịt nuôi sinh sản thì trước khi cho vào nuôi cần phân biệt vịt trống – mái.
Nhu cầu dinh dưỡng của vịt con giai đoạn này là 2890 Kcal năng lượng/kg, thức ăn hỗn hợp có tỉ lệ 22% protein đối với vịt hướng thịt và 20% protein đối với vịt hướng trứng. Giai đoạn nuôi úm vịt con cần sử dụng thức ăn giàu đạm, sau giai đoạn nuôi úm thì tăng thức ăn giàu năng lượng:
- Vịt con từ 1 -3 ngày tuổi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên chỉ cho chúng tập ăn bằng bột bắp hoặc tấm rải đều trên giấy, chia làm 3 – 4 bữa/ngày.
- Từ 4 – 10 ngày tuổi tập cho vịt ăn rau xanh băm nhỏ trộn lẫn với cơm bột cá lạt, các nguồn thức ăn phải được nấu chín.
- Từ ngày 11 – 20 ngày tuổi bổ sung thêm cua, tôm, ốc, hến… nghiền nhuyễn, nấu chín để cung cấp chất đạm.
- Giai đoạn từ 20 ngày tuổi trở lên có thể cho vịt tập ăn lúa sống. Hết giai đoạn nuôi này, vịt con đã có thể ăn được hạt thóc lúa, bà con chuyển sang nuôi hướng thịt hoặc hướng trứng.
Cung cấp đủ nước uống, nguồn nước phải sạch sẽ, an toàn, không quá lạnh hoặc quá nóng. Cách nuôi vịt con nhanh lớn là ở giai đoạn 1 – 3 ngày tuổi có thể pha thêm Vime C Electrolyte, B.complex C, Vemevit Electrolyte hòa vào nước uống để bổ dinh dinh dưỡng, tắc sức đề kháng cho vịt con, giảm tỷ lệ chết. Đồng thời thay máng nước hàng ngày.
Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và ánh sáng trong chuồng nuôi để điều chỉnh phù hợp với thân nhiệt của đàn vịt.
Kết hợp vệ sinh chuồng trại, chất độn chuồng, máng ăn, máng uống. Thực hiện đúng lịch tiêm vacxin phòng bệnh cho vịt con. Đồng thời phòng tránh động vật gây hại như rắn, chuột, cáo, diều hâu, chó, mèo.
Chăm sóc vịt giai đoạn từ 30 – 80 ngày tuổi:
Giai đoạn sau 30 ngày tuổi cho vịt ăn thóc lúa kết hợp với rau xanh và thức ăn giàu đạm như cua, ốc nghiền nhuyễn. Tuy nhiên ở giai đoạn nuôi hậu bị, không nên cho chúng quá béo hoặc quá gầy, chỉ nên nuôi cầm xác để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản, thịt.
Chú ý về đêm nếu thấy đàn vịt ngủ yên thì chúng no và khỏe mạnh còn nếu xôn xao trong chuồng nuôi thì chúng đang bị đói hoặc lạnh, gió lùa, bà con cần kiểm tra và xử lý. Vịt mẫn cảm với nhiệt độ thấp, mưa nhiều, do đó chuồng nuôi cần chú ý không để bị gió lùa, mưa tạt.
Nuôi chăn thả ngoài đồng chỉ nên giữ mật độ khoảng 2000 – 3000 con vịt thịt/10ha ruộng.
Nuôi vịt ở vùng ven biển, cạnh vùng nước mặn nước lợ thì tập cho vịt làm quen với nước, mỗi ngày cho chúng xuống khoảng 20 – 30 phút. Sau khi đưa chúng về chuồng cần cho tắm và uống nước ngọt để tránh bị trúng độc, quét dọn sạch sẽ để tránh gây xây xát bàn chân khiến nấm độc, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể vịt.
Kỹ thuật nuôi vịt nhanh lớn giai đoạn này là trước khi cho vịt ra sân chơi phải tiêu độc, khử trùng ngoài sân. Đồng thời định kỳ kiểm tra khối lượng cả đàn để tính toán tốc độ tăng trưởng.
Trong giai đoạn này vịt sẽ thay lông 1 lần. Việc thay lông dễ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tốc độ tăng trưởng, bà con cần chú ý chăm sóc tốt, hạn chế hao hụt. Cung cấp nước sạch, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống cho vịt.
Hàng ngày phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe của cả đàn, nếu thấy con bị bệnh, có dấu hiệu bị bệnh cần cách ly, xử lý hoặc báo ngay cho bác sĩ thú y.
– Đối với vịt siêu thịt:
Từ 70 – 90 ngày tuổi, vịt đã mọc đủ lông, gọi lại vịt “chéo cánh”, đây là thời điểm vịt mập mạp, chậm lớn, tốt để xuất bán.
Nhu cầu năng lượng của vịt siêu thịt giai đoạn vịt dò 3- 8 tuần tuổi: 3100Kcal, 17% protein.
Giai đoạn này phải kiểm tra trọng lượng đàn 2 tuần/lần để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
– Đối với vịt siêu trứng:
Sau thời kỳ nuôi hậu bị, nếu nuôi sinh sản thì cần lựa chọn những con đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra cần tiến hành dựng đẻ cho vịt sinh sản, tiến hành như sau:
- Trước khi đẻ 2 tuần cần cho ăn thức ăn của vịt đẻ.
- Tăng dần thời gian chiếu sáng: 4 – 5 tuần trước khi đẻ cần 10 – 12 giờ/ngày; sau đó tăng dần 16 – 18 giờ/ngày kích thích vịt đẻ nhiều trứng.
- Duy trì nhiệt độ 18 – 24 độ C, độ ẩm 60 – 80%, mật độ 4 con/m2.
Vịt nuôi bao lâu thì đẻ? Đối với các giống vịt siêu trứng, tuổi đẻ của chúng như sau:
- Vịt cỏ, vịt siêu trứng Khaki Campbell: tuổi bắt đầu đẻ từ 20 – 21 tuần.
- Vịt chuyên trứng CV 2000: tuổi đẻ bắt đầu từ 20 – 22 tuần tuổi.
- Đối với vịt chuyên thịt: tuổi đẻ bắt đầu từ 24 – 25 tuần tuổi.
Vịt không đẻ liên tục cả năm mà đẻ theo giai đoạn. Hết giai đoạn đẻ, chúng sẽ thay lông sau đó mới đẻ tiếp. Giai đoạn được tính từ giai đoạn vịt đẻ được 5% đến hết chu kỳ như sau:
- Vịt siêu thịt: 40 – 42 tuần (1 năm)
- Vịt siêu trứng: 52 tuần
Thức ăn cho vịt
Thức ăn dùng để nuôi vịt gồm các nhóm: thức ăn giàu năng lượng, thức ăn giàu protein, thức ăn khoáng, bổ sung.
- Thức ăn giàu năng lượng (thức ăn cơ sở) gồm: gồm các loại hạt như thóc, ngô, kê, cao lương, phụ phẩm như tấm, cám… các loại củ quả như sắn, khoai.Trong đó thóc và cám và nguyên liệu chính được sử dụng để nuôi vịt.
- Thức ăn giàu protein như: các loại khô dầu (đậu tương, đậu xanh, khô dầu lạc), hạt đậu tương, đậu xanh, lạc. Tuy nhiên lạc dễ bị mốc, khi chất lượng hạt lạc giảm sẽ tiết nhiều độc tố Mycotoxin nhất là Aflatoxin gây hại cho đàn vịt, do đó hạn chế cho vịt ăn lạc và khô dầu lạc. Protein nguồn gốc động vật như bột cá, bột tôm, bột thịt, bột máu, cua, ốc, giun đất, giun quế, ếch nhái, bột nhộng tằm… Ngoài ra còn cá bã bia, bã rượu, các loại rau bèo.
- Thức ăn bổ sung như phức hợp muối, đá vôi, bột sò, vỏ trứng, các loại vitamin, premix vitamin.
Ngoài những thức ăn kể trên, một số hộ dân cũng sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi vịt. Tuy đã được chế biến sẵn thành cám viên có thể cho ăn thẳng nhưng giá cả cao, chất lượng khó kiểm nghiệm. Để tiết kiệm chi phí, bà con có thể dùng cám gạo, tấm phối trộn với nguồn thức ăn giàu protein và khoáng chất để tự sản xuất cám viên cho vịt để nuôi vịt nhanh lớn, tránh lãng phí thức ăn.
>> Xem thêm: Máy ép cám viên
Việc phối trộn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi giúp các nông hộ tận dụng nguyên liệu có sẵn, tiết kiệm chi phí tuy nhiên cần đảm bảo chất lượng đầu vào, không trộn nguyên liệu rồi để quá lâu, nguyên liệu đem phối trộn phải được sơ chế trước (chuyển thành dạng bột, nhuyễn).
Một số máy móc thiết bị hỗ trợ bà con trong quá trình tự sản xuất thức ăn trong chăn nuôi vịt công nghiệp như: máy băm nghiền đa năng, máy ép cám viên, máy trộn thức ăn chăn nuôi… Với sự hỗ trợ của thiết bị máy móc, các trang trại cũng có thể mở rộng quy mô, kết hợp chăn nuôi nhiều giống khác nhau.
Nguồn thức ăn dùng để nuôi vịt phải:
- Bảo quản tốt, đề phòng ẩm mốc- Thức ăn không chứa chất độc hại.
- Cám viên tự sản xuất và các nguyên liệu cần được xử lý khô hoàn toàn (thóc, ngô, đậu tương…) bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chuột, bọ, ẩm mốc.
- Có thể sử dụng thêm chất chống mốc để ngăn ngừa nấm độc gây hại.
Mời quý vị và bà con theo dõi video sử dụng máy ép cám viên 3A7,5Kw
Vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi
- Định kỳ vệ sinh, tiêu độc chuồng trại theo đúng quy định.
- Sử dụng vôi bột rắc xung quanh chuồng nuôi và bên trong chuồng để tiêu độc trước khi bắt đầu chu kỳ nuôi vịt. Kết hợp sử dụng nước vôi rửa sạch bên trong chuồng.
- Chất độn chuồng nếu ẩm ướt cần thay tránh làm vịt bị nhiễm bệnh.
- Máng ăn và máng uống cần được rửa mỗi ngày khoảng 2 lần, loại bỏ hết thức ăn thừa trong máng, đem ra nắng phơi khô.
- Xử lý phân và chất thải của vịt.
>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi vịt siêu thịt
Phòng bệnh và tiêm phòng vắc xin
Để phòng trừ dịch bệnh, vịt nhập về cần được cách ly 15 – 20 ngày. Trong giai đoạn nuôi cần tiến hành tiêm vacxin đầy đủ, đúng lịch. Nếu phát hiện con bị bệnh cần cách ly, chữa t. Trong trường hợp vịt bị chết, phải xử lý tiêu hủy đúng quy định, tránh làm lây lan cả đàn.
Ngày tuổi | Các loại thuốc tiêm và vacxin phòng bệnh |
1 – 3 | Bổ sung vitamin B1, B – complexDùng thuốc kháng sinh Ampi – coli, Streptomicin |
15 – 18 | Tiêm vacxin dịch tả vịt lần 1 |
28 – 46 | Sử dụng thuốc kháng sinh , Sulphamide và bổ sung thêm vitamin để phòng bệnh E Coli, tụ huyết trùng, phó thường hàn.Tiêm vacxin tụ huyết trùng cho vịt con. |
56 – 60 | Tiêm vacxin dịch tả vịt lần 2 |
70 – 120 | Sử dụng kháng sinh phòng bệnh, bổ sung vitamin 1 – 2 tháng/lần, liệu trình 3 – 5 ngày. |
135 – 185 |
Tiêm vacxin dịch tả vịt lần 3 Sử dụng kháng sinh phòng bệnh, bổ sung vitamin 1 – 2 tháng/lần, liệu trình 3 – 5 ngày. |
Sau khi đẻ 5 – 6 tháng |
Tiêm vacxin dịch tả vịt lần 4 Sử dụng kháng sinh phòng bệnh, bổ sung vitamin 1 – 2 tháng/lần, liệu trình 3 – 5 ngày. |
Một số bệnh thường gặp
Các dấu hiệu khi vịt bị bệnh:
- Kém ăn, bỏ ăn
- Nằm một chỗ, ủ rũ, lười vận động, đi lại, đứng tụ tập thành từng đám. Đi lại khó khăn.
- Cánh xã, ngoẹo cổ, rụt cổ.
- Lông xơ xác, mắt nhắm hoặc lờ đờ, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở, thở khò khè.
- Ít kêu, tiếng kêu nhỏ hoặc mất tiếng.
- Hậu môn ướt và bết do ỉa chảy.
- Nếu vịt đang trong giai đoạn đẻ thì sẽ giảm đẻ đồng loạt.
Ngoài ra, khi mắc bệnh nào thì sẽ kèm theo triệu chứng của bệnh đó. Một số bệnh thường gặp và cách điều trị:
Bệnh dịch tả vịt
Bệnh này do virus gây ra, tỷ lệ chết lên đến 100%, đặc biệt có thể lây lan qua đường trứng, phôi. Bệnh dịch tả vịt có ở mọi lứa tuổi vịt, thường phát triển mạnh vào tháng 5 – 10.
Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh này là vịt ngửa cổ ra sau, vùng đầu và mắt sưng to.
Bệnh này không thể điều trị bằng kháng sinh nên cần thực hiện đúng lịch tiêm phòng vacxin. Khi vịt mắc bệnh phải cách ly khỏi đàn, đồng thời tẩy uế khu vực chuồng nuôi bằng vôi bột, NaOH 3 – 5%, Formalin 3%, để trống chuồng 35 – 45 ngày.
Bệnh tụ huyết trùng
Vịt từ 4 tuần tuổi trở lên thường mắc bệnh tụ huyết trùng. Bệnh này lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và hô hấp, tỉ lệ chết cao.
Thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh, cách ly trước khi nuôi. Khi vịt bị bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh như Penicillin, Streptomycin, Oxytetracyclin, Neomycin để tiêm ở bắp lườn.
Bệnh phó thương hàn
Bệnh này do vi khuẩn gây ra ở mọi lứa tuổi của vịt, tuy nhiên giai đoạn dưới 3 tuần tuổi tỉ lệ mắc bệnh và chết cao hơn.
Khi vịt bị bệnh cần cách ly, sử dụng thuốc furazolidon 50 – 100g/tấn thức ăn để phòng bệnh. Ngoài ra có thể dùng Novfloxan, Neomycin… Bệnh này hiện chưa có vacxin phòng.
Bệnh ký sinh trùng do giun chỉ gây ra
Bệnh này thường phát sinh mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ cao. Tuy tỉ lệ chết thấp nhưng vịt kém ăn, gầy gò, khó xuất bán, thiệt hại về kinh tế.
Giun ký sinh tập trung ở vùng da ở hàm dưới và thực quản, khi nhìn bằng mắt thường sẽ thấy khối u nhỏ dưới mỏ. Sử dụng thuốc tím (KMnO4) 0,5%, dung dịch Lugol 1% hoặc NaCl 5% tiêm vào ổ ký sinh trùng, liều lượng 2ml/con. Có thể sử dụng thuốc tẩy giun tròn thông thường:
- Mebendazol 10%: liều lượng 1g/2kg thể trọng
- Tayzu: liều lượng 1g/3 – 5kg thể trọng
- Levasol 7,5%: liều lượng 1ml/2kg thể trọng
- Hanmectin – 25: liều lượng 1ml/5kg thể trọng
Bệnh do bị nhiễm độc tố Aflatoxin
Vịt bị nhiễm bệnh do độc tố Aflatoxin từ nguồn thức ăn ẩm ốc, ôi thiu. Bệnh không có tính lây lan nhưng khiến vịt chậm lớn, giảm thể trọng.
Bỏ hết thức ăn ôi thiu, ẩm mốc, thay thế thức ăn mới để vịt phục hồi cơ thể.
Sử dụng một số hóa chất ức chế sự phát triển của nấm độc trong thức ăn như: Parppionic axit, Gentian violet…
Nhìn chung, nuôi vịt vẫn là một trong những mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, được phát triển rộng rãi ở tất cả các vùng miền trên cả nước, giúp nhiều nông dân cải thiện, vươn lên làm giàu. Bà con áp dụng đúng cách nuôi vịt nhanh lớn trên đây để rút ngắn được thời gian xuất bán, tiết kiệm chi phí, thu hồi vốn nhanh.
Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:
Công ty CPĐT Tuấn Tú
VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869
Email: may3a.info@gmail.com
Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM
Hotline: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: https://may3a.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/
Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!
No comments yet.