Hướng dẫn làm chuồng trại chăn nuôi lợn rừng đúng kỹ thuật, nhân đôi hiệu quả kinh tế
Lợn rừng hay còn được gọi là lợn lòi thuần hóa được nuôi với quy mô trang trại để cung ứng sản lượng thịt, giống cho thị trường. Về cơ bản, lợn rừng dễ nuôi, nguồn thức ăn phong phú, dễ kiếm, khả năng kháng bệnh tốt hơn lợn nhà nên giảm công sức chăm sóc. Nhưng muốn thành công với mô hình này, trước tiên, bà con cần nắm được quy cách làm chuồng trại chăn nuôi lợn rừng.
Nội dung bài viết
Chuẩn bị khu vực xây chuồng trại
Vị trí làm chuồng
+ Chuồng nuôi lợn rừng phải làm trên nền đất cao ráo
Tuy ban ngày lợn rừng thích tắm mình trong đầm khiến toàn thân lấm lem nhưng khi ngủ, chúng lại chọn ở nơi cao ráo, sạch sẽ.
Ngoài ra, nếu khu làm chuồng trũng xuống, ngập nước khi mưa thì sẽ phát sinh mầm bệnh, bọ chét, vắt, ký sinh khiến cho đàn lợn dễ bị bệnh, giảm năng suất chăn nuôi.
Xung quanh chuồng nuôi phải đào mương rãnh thoát nước để đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ.
+ Khu làm chuồng nuôi nên có đất đai màu mỡ
Lợn rừng hiếu động, thích chạy rông, dụi mõm xuống đất, húc phá gốc cây, ủi đất tìm trùn, dế, rau củ quả để ăn… Đó cũng chính là nguồn thức ăn phòng phú cho lợn rừng, giúp giảm chi phí chăn nuôi.
Khu vực đất đai màu mỡ thường có ánh sáng chiếu hài hòa vào buổi sáng, đầy đủ tốt cho sự phát triển của đàn lợn, đồng hóa Ca, P. Ngoài ra ánh sáng tự nhiên còn sát trùng chuồng lợn rừng rất tốt.
Đất đai màu mỡ, cây cối xanh mát cũng là môi trường lý tưởng cho lợn rừng, phù hợp với tập tính của chúng. Thực tế khu vực đất cằn cỗi, bỏ hoang thì sẽ phát sinh nhiều bệnh tật làm lợn chậm phát triển.
+ Chuồng nuôi lợn rừng phải tránh xa khu dân cư
Lợn rừng vốn dữ tợn hơn lợn nhà, thế nhưng bản tính của chúng lại nhút nhát, thấy bóng người sẽ chạy trốn vào nơi kín đáo. Tuy lợn rừng nuôi công nghiệp đã được thuần dưỡng những vẫn khá nhát. Do đó chuồng lợn phải tránh xa khu dân cư để tránh tiếng ồn.
Nếu nuôi với số lượng ít khoảng trên dưới chục con thì không sao nhưng nuôi tập trung số lượng lên đến cả 100, 1000 con lợn rừng thì chất thải rất nhiều. Cần phải làm chuồng xa khu dân cư để tránh ô nhiễm, tránh tiếng ồn từ đàn lợn.
+ Chuồng trại lợn rừng phải gần nguồn nước ngọt và sạch
Nguồn nước sạch vừa cung cấp cho lợn uống hàng ngày, vừa dùng để chế biến thức ăn, tắm rửa cho lợn, tẩy uế chuồng trại chăn nuôi.
Ngoài ra, nước sạch còn dùng để tưới tiêu các loại rau củ quả phục vụ nuôi lợn. Lợn lòi còn rất thích ăn bèo tây, nếu cạnh chuồng nuôi có một ao nước thả bèo thì tiện còn gì bằng.
Nếu không gần nguồn nước sạch thì khi dùng nước giếng khoan, cần đảm bảo chỉ số vi khuẩn E.Coli không vượt quá 1000 con/lít
+ Làm chuồng lợn rừng gần chợ
Nuôi lợn lòi cạnh chợ để tận dụng các loại rau, củ, quả thừa ở chợ mang về cho lợn ăn hàng ngày. Cách này giúp giảm được một phần đáng kể chi phí thức ăn.
+ Không phát triển mô hình nuôi lợn rừng trên khu chuồng lợn nhà
Không nên tận dụng các khu vực này để nuôi lợn rừng vì mầm bệnh từ lợn nhà có thể tiếp tục lây lan sang cả đàn
Hướng chuồng nuôi
Bố trí chuồng nuôi theo hướng Đông – Tây là tốt nhất. Vị trí này sẽ đón nắng vào buổi sáng, tốt cho sự phát triển của đàn lợn.
Ở miền Bắc và khu vực miền Trung (đặc biệt vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) có thể làm cửa chuồng theo hướng Đông – Nam để tránh gió mùa đông bắc, gió lào.
Vật liệu làm chuồng
Các vật liệu xây dựng chuồng lợn chủ yếu là gạch, gỗ, tre, nước, cột bê tông, mái tôn lạnh, lá cọ lợp mái, lưới thép B40…
Cách nuôi lợn rừng
Thịt lợn rừng được coi là một “đặc sản” thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy vài năm trở lại đây mô hình nuôi lợn rừng được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước với 3 cách nuôi phổ biến: Nuôi nhốt chuồng, nuôi bán chăn thả (nuôi trong vòng rào), nuôi chăn thả tự do.
Nuôi thả tự do
Nuôi thả tự do (thả rông) vốn là cách nuôi được áp dụng phổ biến ở khu vực miền núi với số lượng ít. Lợn rừng đã thuần chủng nhưng được nuôi thả tự do như cách sống trước đây của chúng. Nguồn thức ăn gần như không cần phải để tầm quá nhiều. người nuôi chỉ cần cho lợn ăn thêm cám, ngô xay vào buổi tối.
Hình thức này sẽ ít tốn kém chi phí, thịt chắc, thơm ngon, ít mỡ do được vận động hàng ngày. Đồng thời sức đề kháng của chúng cũng tốt, lợn nái đẻ dễ, nuôi con khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Tuy nhiên mô hình này không thể nuôi với số lượng lớn theo quy mô trang trại. Năng suất thấp, thời gian xuất bán lâu. Đàn lợn thả rông thường tìm đi phá hoại hoa màu rất khó quản lý.
Nuôi nhốt chuồng
Cách nuôi lợn rừng nhốt chuồng phù hợp với hộ dân có diện tích đất hạn chế, các trang trại nuôi ở thành thị, ven đô… Cách này cũng giống với nuôi lợn nhà nhưng diện tích chuồng rộng rãi hơn.
Trong chuồng ngăn thành từng ô bằng sắt, mỗi ô rộng từ 4 – 6m2 để nuôi từ 1 – 2 con hoặc 1 cặp bố mẹ. Nếu là chuồng nuôi sinh sản thì cần diện tích rộng hơn. Với cách nuôi này, lợn lòi vẫn phát triển bình thường nhưng muốn chúng không bị quá mập, quá béo, nhiều mỡ, chất lượng thịt vẫn đảm bảo thì bà con phải áp dụng đúng các kỹ thuật nuôi lợn rừng.
Khi nuôi nhốt chuồng, bà con phải cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn vì chúng không có khả năng tự tìm kiếm thức ăn. Như vậy sẽ phải tốn kém thêm một khoản chi phí.
Nuôi nhốt hoàn toàn cũng không phải là cách tốt đối với lợn rừng hậu bị, ngược lại làm giảm sút rõ rệt khả năng sinh sản của chúng.
Nuôi trong vòng rào
Nuôi lợn rừng trong vòng rào (bán chăn thả) là hình thức kết hợp giữa chăn thả tự do và nhốt chuồng hoàn toàn. Cách nuôi lợn rừng này chỉ cần diện tích đất khoảng vài trăm mét vuông, vòng ngoài cùng nhất quây bằng lưới thép B40 chắc chắn, bên trong có một lều nhỏ để lợn trú nắng trú mưa.
Nuôi trong vòng rào, đàn lợn lòi vừa được tắm nắng, đi lại, tìm kiếm thức ăn vừa được quản lý chặt chẽ về số lượng và tình hình dịch bệnh, không phá hoại hoa màu, chất lượng thịt vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường. Chính vì vậy cách này đang là một trong những mô hình nuôi lợn rừng lý tưởng đang được nhiều trang trại, hộ chăn nuôi lựa chọn.
Thiết kế chuồng nuôi lợn rừng
Chuồng nuôi lợn rừng thương phẩm
Xây chuồng lợn rừng nuôi thương phẩm theo cách nuôi trong vòng rào khá đơn giản. Bà con chỉ cần lựa chọn khu đất cao ráo, xung quanh dùng lưới thép B40 để quây kín với chiều cao khoảng 1,8m. Phần chân của lưới thép nên dậm thật chặt hoặc xây cao 1m để lợn không đào đất chui ra ngoài.
Sân thả rông không cần láng xi măng mà để nguyên nền đất, đắp cao 10 – 20cm so với khu vực xung quanh, dậm chắc chắn, nếu thuận tiện thì có thể cho thêm rơm khô và cỏ khô vào trong, trồng thêm cây to để tạo bóng mát.
Ở phía cuối sân chơi, làm một lều nhỏ, sử dụng các vật liệu đơn giản như rơm, lá cọ, lá dừa lợp mái, tre, gỗ, nứa cạo cột lều. Diện tích từ 4 – 6m2, cao từ 1,2 – 1,5m2 để che mưa, che nắng.
Khi thực hiện đúng kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm thì lợn phát triển rất nhanh, nếu nhập lợn con nặng 10 -12kg/con thì chỉ sau 3 – 4 tháng, chúng có thể đạt trọng lượng 40 – 50kg/con.
>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi lợn rừng thuần chủng
Chuồng nuôi lợn rừng hậu bị sinh sản
Xây chuồng bằng gạch, nhưng ở phía đầu chuồng và cuối chuồng xây cao gần mái, còn bên trong các ô ngăn chỉ cao trên trên 1,5m. Xung quanh chuồng sử dụng lưới thép B40 để quây tạo sự thông thoáng, thoải mái nhất cho lợn hậu bị. Nền chuồng xây cao từ 20 – 30cm, lát bằng gạch đỏ để thuận tiện cho việc dọn dẹp vệ sinh, tránh bị đọng nước.
Xây chuồng làm 2 khu vực, khu bên trong có mái che, bên ngoài để thông thoáng. Diện tích khoảng 20 – 40m2/chuồng, đủ để nuôi từ 10 – 15 con lợn hậu bị sinh sản.
Chuồng nuôi lợn đẻ
Chuồng lợn rừng đẻ được xây dựng tương tự như lợn hậu bị sinh sản nhưng phân chia thành từng ô để nuôi 1 con lợn sinh sản. Chuồng lợn rừng sinh sản được chia làm 2 ô: ô nhốt bên trong và ô sân chơi bên ngoài.
+ Ô nhốt bên trong: Diện tích khoảng 6m2, xây tường gạch cao khoảng 1,5m. Bên trong có lót ổ đẻ bằng rơm khô hoặc cành cây khô, lá khô để khi lợn đẻ sẽ dùng những nguyên liệu đó làm ổ. Ổ đẻ có mái che, phải cao ráo, tránh mưa tạt, gió lùa.
+ Ô sân chơi bên ngoài: có diện tích khoảng 5m2, dùng lưới B40 quây bên ngoài, cao 1,5m. Sân chơi thường không cần lợp mái che. Nền chuồng lát xi măng hoặc lát gạch, có độ nghiêng khoảng 3 – 5 độ, không trơn trượt, dễ dọn dẹp vệ sinh, không ứ đọng nước. Phần chân lưới tiếp xúc với đất tốt nhất nên xây 1 – 2 viên gạch cho chắc chắn, tránh việc lợn đào đất chui ra.
>> Xem thêm: Kỹ thuật chế biến thức ăn cho lợn rừng
Diện tích và mật độ nuôi
Lứa lợn | Diện tích/mật độ nuôi |
Lợn đực giống | 5 – 7m2/con |
Lợn hậu bị sinh sản | 3 – 4m2/con |
Lợn rừng nái đẻ, nuôi con | 8 – 10m2/con |
Lợn hướng thịt thương phẩm | 5 – 10m2/con |
Các thiết bị chuồng nuôi
Máng ăn
Máng ăn cho lợn rừng có thể xây máng ăn cố định, làm máng bằng gỗ hoặc bằng tôn dày.
Máng xây cố định có kích thước: sâu lòng 10cm, rộng lòng 20 – 24cm, xây cao từ 5 – 7cm so với mặt đất để thuận tiện cho việc cọ rửa. Loại máng này thường phù hợp với lợn hậu bị sinh sản và lợn đẻ.
Máng làm bằng tôn hoặc gỗ thường có kích thước: chiều dài:1,8 – 2m, rộng đáy 20cm, rộng miệng 30cm, cao 15cm, độ nghiêng 18cm. Với lợn nuôi thương phẩm, tốt nhất nên làm bằng máng gỗ hoặc máng tôn để tiết kiệm chi phí.
Máng uống
Với lợn nuôi thương phẩm thì có thể tự làm máng uống bằng tôn, đóng chắc chắn hoặc tận dụng các loại xô chậu. Tuy nhiên với lợn rừng thì xô chậu sẽ dễ hỏng.
Với lợn hậu bị, sinh sản thì nên thiết kế hệ thống ti bú tự động để tiết kiệm nước, tránh làm ướt chuồng trại
Thiết kế chuồng trại chăn nuôi lợn rừng đúng với định hướng nuôi sẽ các chủ trang trại tiết kiệm chi phí, dễ quản lý, chăm sóc, năng suất cao. Chúc bà con phát triển tốt và “bội thu” với mô hình chăn nuôi này!
No comments yet.