Dùng rỉ mật ủ chua thức ăn gia súc hiệu quả

Rỉ mật thường được dùng ủ chua các loại nguyên liệu như cây ngô, bã sắn, cỏ xanh…để cho gia súc ăn lâu ngày. Trong bài này chúng tôi chia sẻ cách dùng rỉ mật trong ủ chua cây ngô.

1. Bản chất của quá trình ủ cỏ dùng rỉ mật:
  Quá trình ủ cây ngô, cỏ là quá trình lên men yếm khí trong túi ủ hoặc hầm ủ  khi có đủ độ ẩm. Giữ vai trò chính trong quá trình ủ cây ngô, cỏ là các vi khuẩn lên men lactic có sẵn trong cỏ xanh và rỉ mật. Những quá trình chính sau đây xảy ra trong quá trình ủ cỏ:
 
1.1.  Hoạt động hiếu khí:
   Những tế bào cây ngô, cỏ tiếp tục hô hấp, tiêu thụ oxy còn lại trong túi ủ , hầm ủ  vào tạo ra khí CO và nước, kèm theo toả nhiệt lượng. Đồng thời nấm men và mốc vẫn tiếp tục phát triển. Nếu ủ đúng kỹ thuật giai đoạn này sẽ ngắn, nhiệt độ sẽ không lên quá 38oC. Nếu cỏ vào hầm ủ chậm, cỏ nén không chặt, để không khí lọt vào, thì giai đoạn này kéo dài, tổn thất lớn và nhiệt lượng thừa sinh ra làm nóng và hỏng cỏ.
 
1.2. Hoạt động yếm khí:
  Khi toàn bộ lượng ôxy còn lại trong hầm ủ đã bị tiêu diệt hết ở giai đoạn trên, vi khuẩn yếm khí bắt đầu hoạt động và sinh sôi nhanh. Đồng thời nấm men và mốc bị chết đi. Một số enzym thực vật vẫn tiếp tục hoạt động. 
Những biến đổi sinh hoá sau đây sẽ xảy ra:
– Đường chuyển hoá thành acid lactid ,acid Acétic, rượu và CO2 .    
– Protein được thuỷ phân thành Peptic, NH4+, Aminoacid, amin, amid. 
– Khi độ chua cỏ đạt đến một giá trị nhất định, vi khuẩn chết, enzym ngưng hoạt động và cỏ ủ có chất lượng ổn định. Giá trị này phụ thuộc vào vật chất khô ban đầu của nó. 
 Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ủ cây ngô,cỏ: 
– Thành phần hoá học của cây ngô, cỏ đem ủ liên quan đến chất lượng sản phẩm ủ. 
– Chất lượng cây ngô, cỏ ủ phụ thuộc vào bản chất nguyên liệu đầu, cụ thể là vật chất khô, hàm lượng đường… 
– Bổ sung nguồn đường dễ lên men cụ thể là rỉ mật, cám…một số phụ phẩm khác. 
– Nếu có điều kiện phơi héo cỏ, độ ẩm khoảng 70%, kèm theo bổ sung rỉ mật 2-4%  (tuỳ thuộc nguyên liệu ủ có nhiều hay ít đường). 
– Không ủ cỏ trực tiếp dưới dạng tươi, ngoại trừ bắp, cao lương. 
– Nếu cắt cỏ gặp lúc thời tiết xấu thì dùng rơm băm, bã mía cho vào hầm để hút bớt dịch cỏ, lượng mật phải bảo đảm. 
– Ngoài ra còn bổ sung muối đề phòng cỏ ủ chua quá. Ngoài ra muối và đường đều tăng áp suất thẩm thấu, giảm sự mất mát vật chất khô.  
Cách đánh giá chất lượng ủ cỏ (đánh giá bằng cảm quan):
– Mùi thơm acid dễ chịu, nếu mùi rất khó ngửi là cỏ hư phải bỏ. 
– Vị không đắng và không chua gắt. 
– Không có nấm mốc. 
– Độ ẩm và màu: đồng đều. Khi cỏ ủ quá ẩm sẽ có màu sậm, nhớt, mùi khó chịu. Thông thường màu vàng xanh của dưa cải là màu thích hợp nhất. 
– Lá cỏ ủ không có sự tổn thất. Cỏ ủ xấu có vẻ nhiều xơ hơn lá còn rất mỏng. 
 Cách kiểm tra độ ẩm của cỏ trước khi ủ mà không cần gởi mẫu đến phòng thí nghiệm:
– Cỏ thái nhỏ nắm trong lòng bàn tay trong vòng 30 giây, rồi từ từ thả ra, nhận xét cỏ trong lòng bàn tay sẽ suy ra độ ẩm: 
– Nếu dịch cỏ chảy dễ dàng qua kẻ  ngón tay: Độ ẩm 75-85% không thích hợp để ủ. 
– Nắm cỏ giữ nguyên hình dạng, tay ướt, độ ẩm từ 68-75%. Khi ủ cỏ này vẫn bị thất thoát dịch cỏ, nhưng với chất bổ sung rỉ mật 2-4% thì chất lượng cỏ ủ sẽ cao. 
– Cỏ nắm vào sẽ bung ra ngay khi mở tay: ẩm độ thấp hơn 60%. Nếu là cỏ rất non thì có thể ủ chất lượng tốt với ẩm độ này, ngược lại cỏ sẽ dễ dàng bị mốc. Xử lý trường hợp này là trộn chung với cỏ ướt hay thêm nước hoà rỉ mật. 
 
2. Thu hoạch cây ngô để ủ chua:
   Thời điểm cắt ngô để ủ chua, được xác định tuỳ thuộc vào hàm lượng các chất dinh dưỡng có mặt trong toàn bộ cây ngô. Thời điểm lý tưởng để cắt ngô ủ chua là khi có 50% số bắp trên thửa ruộng mà hạt đạt tới giai đoạn chín sáp.
Khi thu hoạch ngô để ủ chua, cần thu hoạch toàn bộ số bắp, không bỏ riêng ra ngoài. Bởi vì hạt có chứa đường, tạo thuận lợi cho quá trình lên men. Nếu chỉ ủ chua những cây ngô không bắp sẽ không cho ra loại thức ăn ủ chua có chất lượng tốt.
dùng rỉ mật ủ chua thức ăn chăn nuôi
 
2.1. Rỉ mật lên men lactic:
    Trong các loài cây thức ăn nhiệt đới, lượng đường thường không đủ để sản sinh ra đủ lượng axít lactic làm chua cho toàn khối thức ăn. Do vậy, cần bổ sung thêm đường để tạo thuận lợi cho quá trình lên men lactic.
Đối với cây ngô cần bổ sung 10 lít rỉ mật đường, 5kg muối ăn cho 01 tấn thức ăn.
 
2.2. Kỹ thuật ủ chua:
   Sau khi cắt ngô cần rải xuống đất hoặc sân, phơi tái dưới nắng khoảng nửa ngày, làm cho cây thức ăn bị mất nước và khô đi một chút. Đó là một yếu tố thuận lợi cho việc ủ chua thành công. Nhưng cũng lưu ý là đừng phơi quá khô trước khi thái nhỏ và đưa vào hố/túi ủ. Trong lúc phơi, cứ 2 giờ cần trở đảo một lần để cây khô héo đều. Nếu không, lớp bên trên thì bị khô mà lớp bên dưới vẫn tươi xanh.
Bước tiếp theo là tiến hành băm, thái ngô cây thành những mẩu nhỏ 3-5 cm. Sau đó chất thức ăn vào hố/túi và nén thật chặt.
Trong trường hợp chăn nuôi bò thịt quy mô trang trại và sử dụng loại hố ủ hai vách song song, cần rải một lớp rơm hoặc cỏ khô xuống đáy hố, sau đó chất từng lớp thức ăn đã băm thái dầy 40-60 cm, đều khắp hố. Cứ sau khi chất mỗi lớp thức ăn vào hố, dùng máy kéo hoặc xe tải nén khối thức ăn bằng cách cho xe chạy từ đầu này đến đầu kia, song song với hai vách ngăn của hố. Và cứ làm như vậy cho đến khi hết thức ăn.
– Đóng hố ủ:
Kỹ thuật đóng hố ủ cũng thay đổi tùy theo loại hố. Trường hợp hố ủ lớn, hai vách song song, sau khi đã nén kỹ lớp thức ăn trên cùng, dùng tấm bạt hoặc nilon dầy mầu thẫm phủ kín toàn bộ miệng hố. Cuối cùng, dùng các vật nặng (lốp xe cũ, gỗ,…) chèn chặt lên trên.
Đối với loại hố ủ xây, nhỏ, sau khi toàn bộ thức ăn đã được nén chặt tới miệng hố, tiến hành đóng hố ủ lại bằng cách phủ một lớp rơm (độ dầy 5 cm) lên đỉnh hố, sau đó đổ một lớp đất dầy (tối thiểu 30 cm) lên trên và bao phủ toàn bộ bề mặt hố ủ. Lớp đất này có tác dụng ngăn cản không khí và nước mưa thấm vào trong hố ủ đồng thời giúp cho việc nén thức ăn được tốt hơn. Cần che hố ủ bằng nilon, bằng tôn hoặc bằng tấm lợp fibrô-ximăng để tránh nước mưa.
Khoảng 72 giờ sau khi đóng hố ủ, hiện tượng lên men dừng lại. Cây ngô thức ăn chuyển thành thức ăn ủ chua. Khi đó bắt đầu một thời kỳ ổn định, kéo dài khoảng 6-7 tuần lễ. Thức ăn ủ chua này có thể sử dụng cho gia súc ăn bắt đầu từ tuần thứ 8.
 
3. Ủ chua cây ngô sau khi thu bắp non
    Loại cây ngô chín sữa-chín sáp và đã thu hết bắp (trong trường hợp trồng ngô lấy bắp đem bán non) có thể ủ chua. Tiến hành cắt cây ngô vào chính ngày thu bắp, phơi héo cho đến khi thấy “được”. Kỹ thuật ủ chua cũng tương tự như trường hợp cây ngô làm thức ăn gia súc. Chỉ có điểm khác là phải sừ dụng lượng rỉ mật đường lớn hơn. Đối với lượng nguyên liệu 1 tấn cần 15 lít rỉ mật đường, 5kg muối ăn.
 
ủ chua cây ngô làm thức ăn gia súc

ủ chua cây ngô làm thức ăn gia súc

4. Ủ chua cây ngô sau khi thu bắp khô
   Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn nước ta ngô được trồng với mục đích lấy hạt khô. Lượng thân và lá ngô bỏ lại rất lớn, chủ yếu dùng phơi khô và đun nấu, rất lãng phí. Chúng ta cũng có thể ủ chua loại cây ngô sau khi thu hoạch hạt bằng kỹ thuật như trên. Nhưng cần lưu ý là phải ủ chua vào chính ngày thu bắp, không phải phơi thêm gì cả. Trước khi thái cây và lá ngô, cần loại bỏ bớt một số lá già, khô phần dưới gốc cây. Một điểm nữa cũng cần chú ý đối với loại cây ngô này là phải băm, thái nhỏ hơn và nén vào hố thật chặt; lượng rỉ mật cần thiết cũng lớn hơn Đối với lượng nguyên liệu 1 tấn cần 15 lít rỉ mật đường, 5kg muối ăn 
 
5. Ủ chua cỏ
    Trong ủ chua cỏ, về cơ bản cũng áp dụng kỹ thuật tương tự như đối với cây ngô thức ăn, nhưng khi tiến hành các bước cần chú ý một số vấn đề sau đây:
Áp dụng kỹ thuật ủ chua đối với riêng từng loại cỏ hoặc cũng có thể ủ chung nhiều loại cỏ với nhau: cỏ tự nhiên, cỏ voi, cỏ sả… Nên cắt cỏ vào giai đoạn trước khi ra hoa. Không nên cắt cỏ quá non, vì chứa nhiều nước, khó ủ. Cũng không chờ cỏ quá già. Đối với cỏ trồng, như cỏ voi chẳng hạn, nên cắt ở lứa tuổi 40-45 ngày.
Thái cỏ dài khoảng 3-4 cm. Khi cỏ càng khô thì càng phải thái nhỏ, vì như vậy mới dễ nén và dễ lên men.
Sau khi băm thái, phơi tái cỏ để có độ ẩm 65-70% (là độ ẩm thích hợp nhất), cỏ mới cắt thường có độ ẩm cao (75-85%), đặc biệt là cỏ hoà thảo.
Bổ sung rỉ mật đường: Tùy thuộc vào lượng cỏ đem ủ. Thông thường, với một lượng cỏ 01 tấn, bổ sung 10 lít rỉ mật đường, 5 kg muối ăn đối với những loại cỏ nhiều đường như cỏ voi và 15 lít rỉ mật đường, 5 kg muối ăn đối với loại cỏ ít đường như cỏ sả.
Theo maychannuoi.com

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!