Gạo dược liệu là gì và công dụng của loại gạo này?
Gạo dược liệu là gì và gạo dược liệu có chữa được ung thư như lời đồn đang là mối quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng hiện nay khi bệnh ung thư ngày càng lan rộng do nguồn thực phẩm bẩn và môi trường sống độc hại “lên ngôi”.
Gạo dược liệu là gì?
Gạo dược liệu hay “siêu gạo” nôm na chính là loại gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao so với gạo thông thường.
Theo đó, gạo dược liệu là cái tên dân gian người dân thường gọi đối với gạo hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng… Loại gạo này chỉ trồng được một vụ/năm ở một số vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Do nhu cầu sử dụng của người dân không nhiều cộng với giá thành cao nên loại gạo này không được bày bán rộng rãi. Thế nhưng thời gian gần đây, những lời đồn thổi về loại gạo này có khả năng chữa bệnh khiến giá của nó được “thổi” cao gấp nhiều lần, thậm chí trở nên khan hiếm.
Hầu hết những người bán gạo đều quảng bá khả năng thần kỳ của gạo dược liệu, chữa được bệnh mỡ máu, tiểu đường và cả ung thư, có tác dụng làm đẹp da, tốt cho tim mạch, giá cả 100.000đ-200.000đ/1kg. Thời điểm trái vụ giá còn đắt hơn nữa.
Ngoài ra trên thị trường còn có các loại gạo khác được giới thiệu có xuất xứ từ Nhật Bản. Loại này được giới thiệu là gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ, có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch!
Cách nấu gạo dược liệu cũng tương tự như gạo thường nhưng nếu muốn thơm hơn thì rang gạo trước khi nấu.
Gạo dược liệu liệu có chữa được ung thư như lời đồn: chiêu kích giá
Qua thông tin của các nhà khoa học chuyên ngành thì tin đồn gạo dược liệu có thể chữa được ung thư hay các bệnh khác là không có cơ sở, thực chất đây là chiêu kích giá “cao tay” của thương lái.
Theo khẳng định của Giáo sư – Tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp (đặc biệt là ngành trồng lúa) thì: “Gạo “dược liệu” bị nói quá và không đúng bản chất. Gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho quá trình chữa bệnh. Hiện tại, Việt Nam chưa có một quy chuẩn nào về các loại gạo hữu cơ, gạo “thảo dược” kiểu này”.
GS Nguyễn Lân Hùng (Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam) cho biết: “Gạo lứt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng anthocyanin lớn nên được thị trường châu Âu rất ưa chuộng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố cho thấy chất anthocyanin trong các loại gạo “dược liệu” là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý, có khả năng chống oxy hóa cao, có tác dụng làm giảm và phòng ngừa xơ vữa mạch máu, ngừa bệnh tiểu đường type 2… Còn việc đồn thổi loại gạo “dược liệu” có khả năng chữa bệnh ung thư là vô căn cứ. Thực tế, nhiều tiểu thương cố tình đồn thổi những tác dụng “thần thánh” của loại gạo này với mục đích đẩy giá lên cao để trục lợi. Do vậy, người dùng nên tìm hiểu kỹ về loại gạo này nếu có nhu cầu sử dụng, cũng như nên mua ở các cơ sở uy tín, có chứng nhận và kiểm soát của tổ chức quốc tế”.
Thời gian qua TS Lê Hữu Hải (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang) và cộng sự cho ra đời giống lúa có giá trị dinh dưỡng và khoáng chất cao hơn rất nhiều so với gạo trắng thông thường có tên lúa cẩm Cai Lậy.
Sau đó Công ty TNHH ADC đã đứng ra bao tiêu độc quyền giống lúa này và khi đưa ra thị trường đặt tên là gạo Trường thọ. Hạt gạo màu đen hoặc tím than và có mùi thơm tự nhiên.
Kết quả phân tích tại Trung tâm Dịch vụ và phân tích thí nghiệm TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ cho thấy các chỉ tiêu dinh dưỡng của loại gạo này đều vượt trội so với gạo trắng cao cấp Jasmine.
Trong đó, hàm lượng chất sắt của gạo này tới 26,4mg/kg, cao hơn 81,8% so với gạo trắng và bằng hàm lượng chất sắt có trong 0,9kg thịt bò. Còn hàm lượng canxi là 137mg/kg, cao gần gấp ba lần gạo trắng. Các khoáng chất khác đều cao hơn gạo trắng, có tác dụng kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.
Ông Phan Quốc Hùng, giám đốc marketing ngành nông nghiệp Công ty ADC, cho biết “Loại gạo tím này được thị trường châu Âu rất ưa chuộng. Đây cũng là xu hướng tiêu thụ gạo của các nước phát triển trong tương lai sẽ chuyển từ gạo thơm sang gạo dược liệu”. Một yếu tố rất quan trọng khiến nhiều nhà khoa học không ngần ngại gọi đây là “siêu gạo” do hàm lượng anthocyanin trong loại gạo này. Ban đầu hàm lượng anthocyanin là 60mg/kg, gấp 20 lần gạo Jasmine.
Theo ông Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Bộ đã định hướng cho các địa phương quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu lúa gạo theo từng phân khúc thị trường, tăng diện tích lúa thơm và lúa gạo dinh dưỡng.
Lúa dược liệu có năng suất khá cao (5-8 tấn/ha, tùy vụ), giá bán cao nhưng vì loại này mới có gần đây, chưa được sản xuất đại trà, có bao nhiêu doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu nên người tiêu dùng chưa có cơ hội mua sử dụng thử.
Trong thời gian tới, ngoài việc sản xuất để xuất khẩu thì doanh nghiệp cần mở rộng diện tích, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước nhiều hơn để người tiêu dùng được tiếp cận, đánh giá và lựa chọn.
Thực tế cho thấy một bộ phận người VN có điều kiện kinh tế cũng có nhu cầu ăn gạo cao cấp, gạo dược liệu giàu dinh dưỡng chứ không phải chỉ có người châu Âu.
Theo Báo Giao thông
No comments yet.