Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng cơ bản nhất

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang được nhiều nông dân áp dụng và thành công. Điển hình trường hợp anh Hoàng Văn Mừng (Bắc Giang) đã bỏ nghề nuôi lợn để nuôi dê nhốt chuồng thu lãi khoảng 3 tỷ đồng/năm. Với đặc điểm tốn ít diện tích, dễ chăm sóc, quản lý, dễ kiểm soát dịch bệnh, chắc chắn mô hình này sẽ tiếp tục được bà con trên cả nước áp dụng phát triển. Nhưng trước tiên, bà con cần nắm được những kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng cơ bản nhất sau đây để có phương án chăn nuôi đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro và thất thoát.

Lựa chọn dê giống

Dê là vật nuôi thông minh, dễ chăm sóc, được coi là “con bò sữa của người nghèo” vì nó cho nhiều loại sản phẩm phục vụ đời sống con người. Chọn giống là kỹ thuật đầu tiên mà bất cứ người nuôi dê nào cũng phải biết để lựa chọn loại dê phù hợp với nhu cầu, thậm chí là địa hình và khí hậu vùng miền. Ngoài ra, chọn được dê giống tốt sẽ giảm được tỷ lệ rủi ro, tăng năng suất chăn nuôi.

Các giống dê phổ biến

– Giống dê chuyên hướng thịt Boer:

Đây là giống có nguồn gốc Châu Phi được nhập vào Việt Nam để nuôi và lai tạo từ năm 2002. Đặc điểm: Lông trắng, vàng nhạt, ở quay vùng tai , cổ và hai bên mặt có lông màu nâu đặc thù rất dễ nhận biết. Đàn dê phát triển rất nhanh, ngoại hình to lớn, con đực trưởng thành có thể đạt 120 – 140kg/ con, con cái từ 90 – 110kg/ con, phù hợp để chăn nuôi lấy thịt.

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng: Dê Boer

Giống dê chuyên hướng thịt Boer

Ngoài ra, dê Boer này cũng rất mắn đẻ và nuôi con khéo. Lần đầu mang thai thường sinh 1 con, các lứa tiếp theo từ 2 – 3 con với chu kỳ mang thai từ 145 – 155 ngày.

– Giống dê Bách Thảo:

Đây là giống dê kiêm dụng có thể cho cả thịt và sữa. Đây là giống có màu lông đồng nhất và dễ nhận biết nhất, chủ yếu là màu đen hoặc đen sọc trắng, tai to cụp xuống, tầm vóc cao.

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng: Dê Bách Thảo

Dê Bách Thảo có thể cho cả thịt và sữa

Khối lượng dê đực trưởng thành có thể đạt khoảng 60 – 85kg/ con, khối lượng dê cái đạt từ 40 – 45kg/ con. Tỷ lệ thịt xẻ khoảng 45%, tỷ lệ thịt tinh trung bình là 30%. Dê có thể sinh sản bình quân 1,7 con/ lứa và đạt 1,8 lứa/ năm/ con cái. Khả năng cho sữa của một con dê Bách Thảo cái từ 1,1 – 1,4kg/ con/ ngày. Chu kỳ cho sữa khoảng 48 – 50 ngày.

– Giống dê cỏ (dê địa phương):

Đặc điểm: Có nhiều màu lông khác nhau, trong đó tập trung vào một số màu chính như: màu vàng nâu, màu đen, khoang trắng đen… Điểm nhận dạng dễ nhất là có hai sọc nâu hoặc đen ở hai bên mặt và một sọc đen từ đầu đến đuôi, ở 4 chân đều có đốm đen.

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng: Giống dê cỏ (dê địa phương)

Giống dê cỏ (dê địa phương)

Tỉ lệ thịt xẻ của giống dê này từ 40 – 44%, tỉ lệ thịt tinh từ 28 – 30%.

Có thể sinh sản bình quân 1,5 con/ lứa, số lứa đẻ trung bình là 1,6 – 1,7 lứa/ năm/ con dê cái. Sản lượng sữa của giống dê này không cao, chỉ đủ nuôi con nên đây chưa phải là giống phù hợp để nuôi lấy sữa. 

Lưu ý khi chọn giống dê

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng chú trọng việc chọn giống dê dựa trên các đặc điểm sau:

  • Lựa chọn giống có nguồn gốc lý lịch rõ ràng, bản thân bố mẹ phải là những con khỏe mạnh, ăn tốt, thân hình cân đối, thuần chủng.
  • Loại bỏ những con: đầu dài, lông tai trụi, sừng thẳng, cổ ngắn, bụng nhỏ, tứ chi không thẳng, không chắc chắn, móng không gọn.
  • Dê đực giống phải khỏe mạnh, thân hình cân đối, khung xương phát triển tốt, cơ quan sinh dục phát triển đều, lông ngực sâu và dài, lưng thẳng, phần mông dài và dốc từ từ. Đặc biệt, bà con nên chọn dê đực trong lứa sinh đôi.
  • Dê cái giống hướng thịt phải có dạng hình chữ nhật. Còn dê cái hướng sữa thì thân hình cần có dạng hình nêm. Một số đặc điểm khác như: hông rộng, mình nở rộng, bộ phận sinh dục nở nang, bầu vú nở rộng, hai núm vú dài từ 4 – 6cm và đưa về phía trước, phần lông ở bầu vú càng mịn càng tốt, không có núm vú kẽ.

Chuồng nuôi dê

Xây dựng chuồng nuôi dê không quá phức tạp, vật liệu lại đơn giản, dễ kiếm, tuy nhiên bà con cũng phải có kỹ thuật làm chuồng nuôi dê thì công tác quản lý, chăm sóc và xuất chuồng mới cho hiệu quả cao nhất. Làm chuồng nuôi dê, bà con cần phải chú ý đến những đặc điểm cơ bản như: Vị trí, hướng chuồng, diện tích chuồng nuôi.

  • Nhìn chung, chuồng nuôi dê phải cách xa nguồn nước sinh hoạt, nhà ở. Xung quanh chuồng nuôi có bóng cây che mát nhưng phải đảm bảo dễ vệ sinh, tiêu nước.
  • Hướng chuồng tốt nhất  là hướng Đông Nam vì mát về mùa hè, tránh được gió mùa đông bắc.
  • Bà con có thể sử dụng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, tầm vông, thân cây cau. thân cây dừa… để làm chuồng vừa tiết kiệm chi phí vừa thoáng mát và sạch sẽ. Chuồng nuôi phải được quy hoạch với diện tích phù hợp với tổng số lượng đàn vật nuôi đảm bảo mật độ nuôi nhốt phù hợp khoảng 0,5m2/ con giúp đàn dê có không gian sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
  • Trong chuồng nuôi phải lắp đặt các dụng cụ, hệ thống máng ăn, máng uống để cung cấp dinh dưỡng nhưng không dư thừa nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế mầm bệnh phát sinh. 

>> Xem thêm: Kỹ thuật làm chuồng nuôi dê

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng

Thức ăn cho dê:

Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nuôi dê làm giàu. Nguồn thức ăn cho dê vô cùng phòng phú, có sẵn, dễ canh tác. Bà con có thể tận dụng tối đa các phế phẩm và phụ phẩm của ngành trồng trọt, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm…. để đáp ứng nhu cầu thức ăn và phát triển của đàn dê. Các nguồn thức ăn chủ yếu của chúng bao gồm: thức ăn thô xanh, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung. Cụ thể:

Thức ăn thô xanh: cỏ tạp, cỏ mồm, cỏ voi, cỏ lông tây, rau muống, rau bèo, lá xoan, dây khoai lang, lá mít, lá sấu, thân cây chuối, thân cây đậu lạc, thân cây ngô, cỏ hòa thảo

Thức ăn tinh: Bao gồm các loại hạt ngũ cốc và phụ phẩm của chúng như: thóc, ngô, đậu tương, lúa mì, cao lương, các loại hạt họ đậu, hạt lạc…

Thức ăn bổ sung: Bao gồm các loại củ quả như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, sắn (tuy nhiên trong sắn cùng có nhiều độc tố như axit HCN nên trước khi cho ăn bà con phải xử lý và không nên cho ăn quá nhiều). Ngoài ra còn có các phụ phẩm như: bã rượu bia, dã đậu phụ, rỉ mật đường, các loại thức ăn bổ sung khoáng, vitamin, bột xương, bột sò, muối ăn.

Những phương pháp chế biến và dự trữ nguồn thức ăn cho dê:

– Với các loại thức ăn thô xanh:

Đây là nguồn thức ăn quan trọng và dễ chế biến nhất, chiếm đến hơn 70% khẩu phần ăn. Tuy nhiên các loại cỏ, đặc biệt là cỏ voi, thân ngô, thân cây chuối… dài, có phần thân cứng và dai nên dê thường bỏ. Muốn nâng cao khả năng ăn của dê, tránh lãng phí, tránh để thức ăn rơi vãi ra bên ngoài, bà con nên dùng các loại máy băm cỏ đa năng để băm nhỏ chúng thành đoạn ngắn từ 3 – 5 cm  cho dê ăn hàng ngày.

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng: Thức ăn thô xanh cho dê

Thức ăn thô xanh chiếm đến hơn 70% khẩu phần ăn của dê

Ngoài ra, bà con có thể đem ủ chua thức ăn với một số chế phẩm sinh học để thúc đẩy hệ tiêu hóa, giúp đàn dê hấp thụ tốt nhất.

– Với các loại củ quả, bà con không nên nghiền mịn mà cũng không nên để cả củ, đàn dê sẽ rất khó ăn. Ở đây, người chăn nuôi chỉ nên băm nhỏ vừa phải.

– Với hỗn hợp thức ăn tinh, thức ăn từ các loại hạt trồng trọt, bà con có thể sử dụng các loại máy nghiền đa năng, máy trộn nguyên liệu… để nghiền mịn sau đó phối trộn với nhau và với rỉ mật, chế phẩm sinh học giúp bổ sung hàm lượng đạm, vitamin cho vật nuôi. Bà con có thể tham khảo các công thức phối trộn theo từng giai đoạn sau cho dê:

Hỗn hợp tinh cho dê con tập ăn và giai đoạn sau cai sữa với hàm lượng đạm thô từ 17 – 19%)

Loại thức ăn Công thức I (%) Công thức II (%)
Bột ngô 33 32
Khô dầu đậu tương 19 25
Cám 1 15 10
Bột sắn 15 11
Bột lá keo đậu 15 18
Bột đá 2 2
Muối ăn 1 2
Tổng 100 100

Hỗn hợp tinh cho dê trưởng thành, dê mẹ cho sữa với hàm lượng đạm thô khoảng 15%

Loại thức ăn Công thức I (%) Công thức II (%)
Bột ngô 35 22
Khô dầu đậu tương 10
Cám gạo hợp bột sắn 45
Cám 1 10
Khô dầu lạc 20
Bột sắn 20
Rỉ mật đường 10
Bột lá keo đậu 19
Khoáng hỗn hợp 2
Bột cá nhạt 3
Bột đá 2
Muối ăn 1 1
Tổng 100 100

Bà con cần chú ý khẩu phần thức ăn cho từng loại dê để chúng phát triển tốt nhất:

  • Dê con từ lúc mới sinh đến 2 tháng tuổi: 7kg thức ăn thô xanh, 1 – 1,5kg thức ăn tinh/ con/ ngày.
  • Dê đực giống: trung bình từ 1kg cỏ khô, 1 -2kg cỏ tươi, 2kg rơm, 200 – 500gr thức ăn hỗn hợp/ con/ ngày.
  • Dê hậu bị: trung bình 2 – 4kg thức ăn thô xanh, thừ 0,3 – 0,4 thức ăn củ quả, từ 0,2 – 0,3 thức ăn hỗn hợp/ con/ ngày.
  • Dê cái vắt sữa:1kg cỏ khô, 2kg cây lá khác, 1kg cây họ đậu, 0.5kg thức ăn hỗn hợp. Nếu dê có thể sản xuất được 2 lít sữa/ con/ ngày thì tăng khẩu phần ăn lên 2kg cỏ khô, 4kg cỏ xanh và duy trì khối lượng thức ăn hỗn hợp là 0,5kg.
  • Dê cái cạn sữa: Bà con nên duy trì khẩu phần: 3 – 6kg thức ăn xanh, 0,4kg thức ăn củ quả, 0,3 – 0,5kg thức ăn hỗn hợp.

Nước uống

Bà còn phải thường xuyên cung cấp nước cho đàn dê nhốt chuồng. Giai đoạn từ từ sinh đến 2 tháng tuổi: khoảng 0,5 lít/ ngày. Dê từ trên 2 tháng tuổi: cần khoảng 5 lít nước/ ngày.

Chú ý: nước uống, máng uống luôn phải sạch sẽ, không có lẫn chất bẩn tránh để vi khuẩn có cơ hội thâm nhập vào cơ thể, đường ruột gây bệnh.

Vào mùa mưa, nguồn thức ăn xanh của dê thường có chứa nhiều nước nên thời điểm này chúng sẽ không đòi hỏi quá cao nhu cầu nước uống.

Đối với dê vắt sữa, trung bình 1 lít sữa chúng sẽ cần khoảng 1,3 lít nước, dựa vào số lượng sữa thu được trung bình trong ngày bà con có thể tính toán và cung cấp lượng nước phù hợp cho chúng.

Thiến giống cho dê thịt

Đối với dê đực lấy thịt, bà con phải thiến để chúng cho sản lượng thịt tốt nhất. Thời gian bắt đầu thiến là từ khi dê đạt 3 tuần tuổi vì nếu thiến trước chúng sẽ còn yếu, khó chịu đựng. Còn kéo dài quá thời gian thì khó thiến vì bản tính dê đực rất hung hăng.

Bà con tiến hành thiến giống cho dê đực như sau:

  • Bước 1: Làm vệ sinh sạch sẽ, sát trùng túi dịch hoàn. Kéo nhanh và nắm chắc 2 dịch hoàn ra phía bên ngoài rồi buộc lại để nó không di chuyển trở lại phía bên trong.
  • Bước 2: Dùng một con dao nhỏ và sắc để cắt một đường dài khoảng 3 – 4 cm vào chính giữa túi dịch hoàn. Lúc này phần dịch hoàn ở bên trong sẽ lộ ra, bà con kéo dịch hoàn ra bên ngoài.
  • Bước 3: Phần trên thừng dịch hoàn bà con buộc thắt lại thành 2 nút cách nhau 1,5cm. Sau đó, dùng dao sắc để cắt phần thừng dịch hoàn giữa hai nút buồn đó. Bà con cũng làm tương tự với phần dịch hoàn còn lại.
  • Bước 4: Sau khi thiết, bà con sử dụng bông sạch để lau bên trong và bên ngoài bao dịch hoàn. Để tránh bị nhiễm trùng, lở loét, bà con nghiền mịn kháng sinh sau đó rắc vào bên trong và khâu bao dịch hoàn lại.
  • Bước 5: Sau khi thiến giống, bà còn phải kiểm tra hàng ngày tránh để bị nhiễm trùng, ngoài ra cần bôi thêm thuốc sát trùng hàng ngày để vết khâu khỏi hẳn.

Chăm sóc dê theo giai đoạn phát triển

Dê con dưới 12 ngày tuổi

Thời gian để dê con có thể thích nghi với môi trường bên ngoài sau khi sinh mất từ 7 – 10 ngày. Sau khi sinh, khả năng tự vệ của dê con thấp, khả năng điều tiết và sinh thân nhiệt con yếu, cơ thể chưa tự phòng vệ với môi trường và mầm bệnh bên ngoài, các cơ quan tiêu hóa yếu, dạ cỏ chưa phát triển mạnh. Vì vậy, giai đoạn này, bà con cần tạo môi trường chăm sóc đặc biệt cho chúng.

Sau khi đỡ đẻ cho dê, bà con phải dùng khăn để lau khô, cắt rốn và đưa chúng vào nằm trong ổ đã lót sẵn rơm/ chất độn trong chuồng. Lưu ý, cắt rốn cần phải vuốt sạch máu, để lại 3 – 5 cm cuống rốn.

Để dê con và dê mẹ nghỉ ngơi. Dê con sẽ chết sau 4 giờ nếu như không được bú sữa mẹ. Vì vậy, sau từ 20 -30 phút cho dê con bú sữa mẹ. Nếu như dê mẹ không chịu cho con bú thì bà con phải giữ chặt dê mẹ, vắt bỏ tia sữa đầu, sau đó vắt sữa vào miệng dê con, tiếp tục giữ dê mẹ để dê con bú. Làm như vậy cho đến khi dê mẹ có thể tự cho con bú sữa. Bà con chú ý phải cho dê con bú đều 2 bên. 

Dê từ 12-45 ngày tuổi

Sau từ khoảng 15 ngày đầu thì bà con tách dê con khỏi dê mẹ để vắt sữa. Chỉ nên vắt trung bình 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều tối. Cho dê con vào bú ngay sau mỗi lần vắt sữa, cần đảm bảo lưỡng sữa từ 450 – 600ml/ con/ ngày.

Cùng vào thời điểm này, bà con hãy cho dê mới sinh làm quen với thức ăn dễ tiêu như các loại cám từ phụ phẩm nông nghiệp, các loại cỏ non. Khi dê đạt từ 20 – 45 ngày tuổi, trung bình, khẩu phần thức ăn tinh của mỗi con/ ngày phải đảm bảo từ 20 – 35 gram

Dê sau 45 ngày tuổi

Từ sau 45 ngày tuổi, dê còn bắt đầu hoàn thiện các hệ tiêu hóa và sức đề kháng nên chúng phát triển rất nhanh. Bà con nên giảm dần lượng sữa mẹ từ 600 xuống 400ml/ con/ ngày, chia làm 2 lần. Thay vào đó bổ sung nguồn thức ăn tinh 50 – 100gr/ con/ ngày, bổ sung thêm cỏ non. Lượng thức ăn này cũng sẽ tăng dần để dê con cảm thấy no bụng.

Đến khoảng 3 tháng tuổi, bà con có thể tiến hành cai sữa và bổ sung đầy đủ nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho dê con. Đối với dê thịt, bà con có thể tiến hành cai muộn hơn nhưng không được quá muộn, phải tính toán thời gian để cai sữa trước 2 tháng khi dê mẹ đẻ lứa tiếp theo.

Sau khi cai sữa, bà con nên lọc riêng dê đực, dê cái đạt tiêu chuẩn về ngoại hình để nuôi lấy giống. Nguồn thức ăn hàng ngày phải tăng dần theo tuổi và trọng lượng cơ thể dê.

Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng: Đàn dê đang ăn cỏ

Lượng thức ăn cho dê phải tăng dần theo tuổi và trọng lượng dê

Phòng bệnh cho dê

Để phòng bệnh cho dê, bà con cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chồng nuôi dê phải thông thoáng, khô ráo. Một số loại thuốc sát trùng có thể sử dụng như:

  • Han Iodin 10%: Phun xung quanh chuồng nuôi khi không có đàn dê ở. Trước khi phun phải pha với nước thành dung dịch nồng độ 1%. Đối với những chuồng có nhốt dê thì bà con phải pha loãng hơn với nồng độ 0,5%.
  • Ngoài ra còn có Halamid 3%, Hantox 200
  • Rắc vôi bột xung quanh để khử trùng, phòng dịch bệnh cho đàn đê.
Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng: Tiêm phòng cho dê

Tiêm phòng cho dê

Bà con phải thường xuyên kiểm tra đàn dê để kịp thời phát hiện, cách ly hoặc tiêu hủy tránh lây lan sang cả đàn. Thức ăn và nước uống phải luôn đảm bảo sạch sẽ, không bị ôi thiu, mốc, hỏng. Đối với nghề nuôi dê, người nuôi cần phải định kỳ cắt móng cho chúng để tránh những bệnh thối móng, viêm nhiễm…Ngoài ra, bà con cần lưu ý lịch tiêm phòng vacxin đầy đủ để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn dê nhanh lớn.

Tiêm vacxin Thời gian tiêm Liều lượng Cách tiêm Dê không nên tiêm
Lần 1 Lần 2
Lở mồm long móng Tháng 2 Tháng 8 1ml/ con Tiêm dưới da, tiêm bắp Dê dưới 1 tháng tuổi
Dê chửa kỳ đầu và kỳ cuối
Giải độc tố Tháng 3 Tháng 9  2ml/con Tiêm dưới da Dê dưới 1 tháng tuổi
Tụ huyết trùng Tháng 3 Tháng 9 1ml/con Tiêm dưới da Dê dưới 1 tháng tuổi
Vacxin đậu dê Tháng 2 – 4 Tháng 8 – 10 1ml/con Tiêm dưới da Dê dưới 1 tháng tuổi
Dê đang mang thai

Đối với những bệnh truyền nhiễm bà con nên điều trị bằng kháng sinh sẽ giúp dê khỏi nhanh hơn. Tuy nhiên khi sử dụng kháng sinh phải tuyệt đối tuân thủ: Chỉ dùng để điều trị cho những bệnh do vi khuẩn gây ra, kháng sinh sẽ không có tác dụng với virus. Đồng thời khi dùng thuốc, nếu qua 2 ngày mà bệnh vẫn không thuyên giảm thì chuyển sang thuốc khác và điều trị từ 4 – 5 ngày. Bà con có thể áp dụng lịch tiêm kháng sinh như sau:

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng cơ bản, toàn diện nhất. Nghề nuôi dê sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu áp dụng kỹ thuật. Chúc bà con thành công!

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!