Kỹ thuật nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi chim đà điểu ở Việt Nam đang được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân, chủ trang trại. Tuy nhiên, để nhân rộng quy mô, giảm tỷ lệ hao hụt giai đoạn đầu và mang lại cho năng suất cao nhất, bà con cần nắm được kỹ thuật nuôi đà điểu từ các khâu chọn giống, làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi đến công tác phòng bệnh.
Nội dung bài viết
1. Giá trị kinh tế của đà điểu
Chim đà điểu thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, mức nhiệt biến thiên từ – 30 độ C – 40 độ C đều không gây ảnh hưởng gì. Tỷ lệ nuôi sống ở giai đoạn sơ sinh cao, đạt từ 77 – 85%, giai đoạn trưởng thành đạt từ 90 – 98%.
Một con đà điểu mới nở chỉ cần nuôi sau 10 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng từ 100 – 110kg/con. Như vậy khả năng sản xuất thịt của đà điểu cao hơn rất nhiều so với trâu, bò.
Thời gian khai thác đà điểu mái và trống rất lâu, con mái từ 40 – 50 năm, con trống từ 12 – 15 năm.
Nuôi đà điểu mang lại nhiều giá trị kinh tế cao, đầu ra cho đà điểu gồm: trứng thường và trứng có khả năng nở con, sản lượng thịt, da lông.
– Thịt đà điểu:
Thịt đà điểu có lợi cho sức khỏe vì ít mỡ và cholesterol xấu khi so sánh với gà, bò. Trung bình một con trưởng thành có trọng lượng 100kg sau khi giết mổ sẽ thu được khoảng 60kg thịt, trong đó có 21% thịt ngon và 14% thịt vụn. Sản lượng thịt của con đực sẽ cao hơn con cái khoảng 1,5%.
Vậy thịt đà điểu bao nhiêu 1kg? Trên thị trường, giá thịt đà điểu đang được bán từ 170 – 200 nghìn đồng/kg là một trong những món đặc sản hấp dẫn.
– Trứng đà điểu:
Tuổi thành thục của đà điểu tương đối sớm, một năm có thể đẻ 40 – 60 quả trứng, mỗi quả nặng 1,2 – 1,5kg, to gấp 25 lần so với các loại gia cầm khác.
Trong quả trứng khổng lồ này có chứa nhiều sắt, axit folic tốt cho bà bầu và sự phát triển của thai nhi. Trứng đà điểu còn tốt cho trẻ em thấp bé còi xương, người bị bệnh tim mạch… Trứng được bán với giá giao động từ 50 – 150 nghìn đồng/quả.
– Da đà điểu:
Đây là một trong những loại da xa xỉ nhất, có chất lượng tương đương với da cá sấu, da rắn nhưng lại dày, bền và mềm nên được dùng để sản xuất giày dép, túi xách, ví cao cấp.Trung bình 1m2 da có giá bán lên tới 400 USD.Tuy nhiên giá trị thành phẩm của da sẽ bị giảm nếu không biết cách xử lý.
Sau khi gia công hoàn thiện, phần da được chia thành:
+ Da hơi mờ: là da loại 1 được nhuộm toàn bộ, đánh bóng 1 phần.
+ Da láng bóng: được nhuộm và đánh bóng toàn phần.
+ Da đùi: được đánh bóng và sơn bóng.
– Lông đà điểu:
Lông đà điểu đẹp, óng mượt tự nhiên – là một trong những giá trị kinh tế nổi bật nhất của đà điều mà ngay cả những công nghệ sản xuất hiện đại trên thế giới cũng không làm được đẹp như thế.
Lông đà điểu được dùng để sản xuất mặt hàng thời trang, làm vật liệu phủi bụi cho máy móc thiết bị do không tạo thành dòng tĩnh điện. Ở Châu Âu, 1kg lông tơ có giá bán khoảng 2000 USD.
Nói chung, nuôi đà điểu là một trong những mô hình chăn nuôi mới với thị trường đầu ra rộng rãi, giá trị cao. Hơn nữa nghề nuôi đà điểu ở nước ta mới đang bước vào giai đoạn đầu, sản lượng thịt bán ra mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ nên có tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên với mô hình nuôi đà điểu thì yêu cầu vốn lớn, diện tích rộng để mua con giống, thiết kế chuồng trại.
2. Chọn giống đà điểu
Các giống đà điểu Struthio camelus hiện nay:
– Đà điểu Bắc Phi: là giống đà điểu cao nhất, đỉnh đầu không có lông, có một vòng lông cổ màu trắng ở ⅔ cổ từ trên xuống. Riêng con đực có lông cánh và lông ngực màu trắng tinh. Con cái có bộ lông trên thân màu nâu sẫm.
– Đà điểu Somali: là giống đa điều cũng không có lông ở đỉnh đầu nhưng vòng trắng dưới cổ thì rộng hơn. Trên cổ, những cố không có lông sẽ có màu xám, lông đuôi có màu trắng. Con đực có bộ lông đen, con cái lông xám nhạt hơn. Riêng ở giống đà điểu Somali, con cái có thân hình to hơn con đực.
– Đà điểu Đông Phi (đà điểu Masai): sinh sống ở vùng đông Kenya. Trên đỉnh đầu có con không có lông, nhưng cũng có con mọc lông kín. Vòng màu trắng ở cổ hẹp.
– Đà điểu Nam Phi: sinh sống chủ yếu ở Zimbabwe – botswana cho tới cape. Đỉnh đầu mọc lông, cổ màu xám, vào mùa sinh sản sẽ chuyển sang màu đỏ, không có vòng trắng ở cổ như các giống khác.
Cách chọn giống đà điểu nuôi thương phẩm:
- Chọn đà điểu giống nở đúng ngày (nở ngày thứ 42 – 44)
- Chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị dị tật, bụng gọn, mắt sáng
- Con giống có khối lượng cơ thể từ 0,8 – 1kg/con
- Để giảm hao hụt thì bà con có thể mua giống từ 3 tháng tuổi trở lên, tỉ lệ sống trên 90%
Các chủ trang trại có thể tham khảo giá đà điểu giống:
Phân loại chim đà điểu | Giá bán (đồng/con) |
1 – 7 ngày tuổi | 1.500.000 – 1650.000 |
1 tháng tuổi | 1.800.000 – 2.100.000 |
2 tháng tuổi | 2.100.000 – 2.500.000 |
3 tháng tuổi | 2.700.000 – 2.900.000 |
3. Chuồng nuôi đà điểu
Yêu cầu chung về chuồng trại
+ Vị trí làm chuồng nuôi đà điểu
Chuồng trại ở nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn. Nên chọn vùng đất dễ thoát nước, không có nhiều đồi núi, không có cây cối bao trùm xung quanh.
Vị trí làm chuồng phải gần nguồn cung cấp điện và nước, dễ dàng chăm sóc, quản lý.
Hướng chuồng thích hợp là hướng Đông Nam để có thể đón ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, đồng thời giúp chuồng nuôi luôn thông thoáng, khô ráo.
+ Hàng rào bao quanh vị trí chuồng nuôi
Hàng rào bao xung quanh cần cao từ 150cm trở lên đối với đà điểu 0 – 12 tháng tuổi. Trên 12 tháng tuổi phải cao từ 165cm – 170cm. Làm hàng rào phải:
- Dễ nhìn xuyên qua
- Chắc chắn, có khả năng chống đỡ tốt khi đà điểu chạm vào.
- Có tính đàn hồi tốt để tránh làm bị thương.
- Không có vật sắc nhọn
- Không làm cản trở hoặc vướng chân đà điểu.
Kiểu hàng rào 5 dây thép mạ kẽm (phi 3,1mm): Đóng cột chắc chắn, khoảng cách giữa các cột là 5m, ở giữa 2 cột sẽ có ít nhất thanh dọc. Dây thép mạ kẽm sẽ quấn quanh mỗi cọc. Dây thép dưới cùng sẽ cách mặt đất từ 25 – 30cm.
Chuồng nuôi úm
Theo kinh nghiệm nuôi đà điểu của nhiều hộ dân, con non từ khi mới sinh đến 3 tháng đầu có tỉ lệ chết rất cao, thậm chí là hơn một nửa. Do đó, tương tự như các loại gia cầm khác, giai đoạn đà điểu sơ sinh đến 3 tháng tuổi, bà con cần tiến hành làm chuồng úm để giữ ấm, tránh những tác động xấu của thời tiết và môi trường bên ngoài, giảm tỷ lệ hao hụt.
Chuồng nuôi gột đà điểu được chia ra làm 2 phần: phần chuồng và sân chơi. Trong đó, chuồng nuôi cần đảm bảo thoáng khí, sân chơi cần có chiều dài trên 50m để chúng có thể thoải mái đi lại.
Diện tích chuồng úm:
Ngày tuổi | Chuồng úm (m2/con) | Sân chơi (m2/con) |
1 – 30 | 0,3 – 0,5 | 2,0 |
30 – 60 | 0,7 – 1,3 | 3 – 3,5 |
60 – 90 | 1,5 – 2,0 | 4 – 6 |
Chuồng nuôi đà điểu thịt
Sau 3 tháng nuôi úm, bà con chuyển sang nuôi thương phẩm. Chuồng nuôi cần thiết kế rộng, có sân chơi kích thước 5 x (60 – 120)m dùng để nuôi từ 12 – 15 con. Mái chuồng lợp bằng tôn, cao cách mặt đất 3m trở lên.
Đà điểu thường sống chủ yếu ở bên ngoài sân chơi do đó chuồng nuôi chỉ cần làm giản dị, sử dụng vật liệu thô sơ như kiểu chuồng bò nuôi ở quê. Diện tích chuồng nuôi cũng không cần làm rộng, trung bình 3 – 4m2/con. Ngoài ra phía sân chơi nên bố trí lán từ 3 – 5m2 để đặt máng ăn.
Chuồng nuôi đà điểu giai đoạn sinh sản
Giai đoạn sinh sản, chuồng nuôi có mái che với kích thước 3 x 5m, bên trong đổ nền cát dày làm ổ đẻ.
Sân chơi bên ngoài rộng 8m, dài từ 80 – 100m, không có chướng ngại vật.
Ô chuông có thể ghép 1 trống : 2 mái hoặc 2 trống : 5 mái.
Thảm lót và chất độn chuồng
Trong chuồng nuôi úm cần làm thảm lót mềm bằng cao su, nhựa plastic có lỗ, đệm lót nền có sưởi ấm hoặc dùng rơm dày dặn, chắc chắn để giữ ấm phần bụng cho đà điểu con từ 1 – 2 tuần đầu.
Từ 3 tuần tuổi trở đi, bà con có thể dùng trấu, mùn cưa, dăm bào… để làm chất độn chuồng nuôi. Tuy nhiên đà điểu nhỏ có thể ăn cả mùn cưa vì vậy bà con cân nhắc chỉ dùng mùn cưa khi chúng đã nhận biết được (khoảng từ 4 tuần tuổi trở đi).
Sân chơi của đà điểu thịt có thể dùng thảm cỏ hoặc lót thêm cát.
Nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng
Sau khi trứng đà điểu nở, cần đảm bảo duy trì nhiệt độ từ 32 – 33 độ C. Sau đó mỗi tuần sẽ giảm 2 – 3 độ C cho đến khi mức nhiệt 20 – 22 độ C là thích hợp. Để đảm bảo lượng nhiệt vừa phải, trong chuồng nuôi cần thiết kế bóng đèn sưởi. Đà điểu con nở sau 24 giờ cần được đưa vào chuồng nuôi úm.
Như vậy nhiệt độ, ẩm độ thích hợp trong chuồng nuôi gột:
Tuần tuổi | Nhiệt độ (độ C) | Ẩm độ (%) |
Mới xuống chuồng | 32 – 33 | 65 – 70 |
1 | 30 – 32 | 70 |
2 | 28 – 30 | 70 |
3 | 24 – 26 | 70 |
4 | 22 – 23 | 70 |
5 | 22 | 70 |
Từ 1 tháng tuổi trở đi | Nhiệt độ môi trường | 70 |
Ánh sáng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu tốn thức ăn và sức đề kháng của đàn. Nếu được cung cấp đủ ánh sáng, đà điểu con sẽ ăn nhiều, tiêu hóa tốt, tăng trưởng nhanh, giảm bệnh tật.
Sau 20 ngày tuổi có thể cho đà điểu con ra sân tắm nắng. Thời gian chiếu sáng trong chuồng nuôi gột như sau:
- Từ 1- 2 ngày tuổi: 24 giờ/ngày
- Từ 3 – 4 ngày tuổi: 18 giờ/ngày
- Từ 5 – 6 ngày tuổi: 16 giờ/ngày
Tương tự, cường độ ánh sáng cũng sẽ giảm dần theo ngày tuổi của đà điểu non:
- Ngày đầu tiên: 90 – 100 Luxo
- Sau 7 ngày tuổi: 40 luxo
- Sau 14 ngày tuổi: 20 – 25 luxo
Vào ban đêm, cần duy trì ánh sáng với cường độ 3W/m2.
Máng ăn, máng uống
Bố trí máng ăn máng uống đầy đủ cho đàn. Máng ăn thường làm bằng nhựa hoặc cao su không có các góc cạnh nhọn.
Nuôi đà điểu thịt cần đóng máng gỗ có kích thước 0,3 x 0,25 x 1m, được đặt cố định ở độ cao từ 0,7 – 0,8m, mật độ ăn từ 4 – 5 con/máng. Máng uống có thể dùng bể hoặc chậu sành sứ có kích thước to.
Mật độ nuôi
Mật độ nuôi úm đà điểu: 20 – 25 con/quây úm là thích hợp nhất. Mật độ này sẽ thay đổi theo tuần tuổi của đàn. Không được phép nuôi với mật độ quá dày sẽ khiến chúng dễ bị xơ xác lông, khoèo chân, giảm năng suất, chậm phát triển.
4. Thức ăn cho đà điểu
Nuôi đà điểu cần đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để duy trì sự sống, giúp vật nuôi phát triển cân đối, toàn diện. Nhu cầu dinh dưỡng của đà điểu gồm: nước, protein, lipit, khoáng chất, vitamin, chất xơ, sỏi.
Đà điểu ăn gì? Đà điểu là giống ăn tạp, nguồn thức ăn khá phong phú gồm:
- Các loại rau củ quả như xà lách, bắp cải, rau muống, lá cây, cỏ giống như trâu bò, các loại cây họ đậu, hạt ngũ cốc (các loại hạt đậu, yến mạch, cao lương, thóc lúa, hạt bắp…), cát sỏi
- Trùn quế, dế, trứng chim, bột cá, bột thịt, bột xương, bột sò…
- Phụ phẩm từ các cơ sở chế biến như bánh dầu, dầu dừa, phế phẩm từ lò mổ
- Thức ăn bổ sung là các loại vitamin, premix khoáng, chế phẩm sinh học… Thức ăn bổ sung rất cần thiết đối với đà điểu nuôi nhốt, giúp chúng phát triển khỏe mạnh, tránh tình trạng còi cọc, yếu, ngừng ăn, đi đứng không vững…
Nguồn thức ăn phải đảm bảo tươi ngon, an toàn, không bị thối mốc, nhiễm độc… Đà điểu là giống chim duy nhất biết ăn cỏ mà sống, do đó để đảm bảo cung cấp đủ thức ăn, bà con có thể kết hợp trồng cỏ, trồng các loại cây họ đậu thu hạt và thân để tiết kiệm tối đa chi phí.
Ngoài ra, bà con có thể phối trộn các loại nguyên liệu lại với nhau để đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho đà điểu. Trước khi phối trộn, các loại cỏ trồng, rau xanh cần được băm nhỏ, hạt ngũ cốc đem nghiền nhuyễn, bổ sung thêm vitamin, premix khoáng, chế phẩm sinh học…
Sau khi phối trộn, bà con có thể cho đà điểu ăn trực tiếp hoặc ép thành cám viên. Nuôi đà điểu bằng cám viên tự ép sẽ giúp chúng ăn ngon miệng, nhanh lớn, kháng bệnh tốt và giảm giá thành chăn nuôi.
Công thức phối trộn thức ăn cho đà điểu nuôi thâm canh lấy thịt theo từng giai đoạn:
Nguyên liệu (%) | 0 – 2 tháng tuổi | 2 – 6 tháng tuổi | 6 – 10 tháng tuổi |
Bột ngũ cốc | 55 | 55 | 58 |
Bột cỏ | 4 | 15 | 25 |
Bột đạm | 40 | 30 | 17 |
100% | 100% | 100% |
Để thuận tiện cho việc chế biến thức ăn nuôi đà điểu, các chủ trang trại có thể sử dụng một số máy móc, dây chuyền thiết bị cần thiết:
- Máy băm cỏ: chuyên dùng để băm các loại cỏ trồng thành từng đoạn ngắn cho vật nuôi dễ hấp thụ.
- Máy băm nghiền đa năng: Chiếc máy này có thể băm nghiền thân chuối, cỏ, rau bèo, nghiền cua ốc, nghiền bột ngũ cốc…
- Máy trộn thức ăn chăn nuôi: Được dùng để phối trộn các nguyên liệu lại với nhau một cách đều nhất về chất lượng thức ăn giúp cả đàn phát triển tốt, đồng đều.
- Máy ép cám viên: Máy được dùng để ép thức ăn đã phối trộn thành cám viên nuôi đà điểu.
Mời bà con tham khảo video sử dụng máy ép cám viên trục đứng 3A7,5Kw
5. Chăm sóc và quản lý
Kỹ thuật nuôi đà điểu từ 0 – 3 tháng tuổi
Trong chuồng nuôi úm cần để sẵn các loại thức ăn xanh tươi ngon, cám viên tự ép để đà điểu con ăn, nếu không chúng sẽ ăn bất cứ vật gì nhặt được, việc này có thể dẫn đến tắc đường ruột gây chết.
Sỏi trong khẩu phần ăn của đà điểu nên có đường kính từ 1 – 2mm.
Cách cho đà điểu con ăn:
- Giai đoạn từ 1 – 30 ngày tuổi: chia thức ăn làm 6 bữa/ngày
- Giai đoạn từ 31 – 60 ngày tuổi: chia thức ăn làm 4 bữa/ngày
- Giai đoạn từ 61 – 90 ngày tuổi: chia thức ăn làm 2 – 3 bữa/ngày
Lượng thức ăn trong ngày của đà điểu con được tính toán như sau:
Tuần tuổi | Thức ăn tinh (g/con/ngày) | Thức ăn xanh (g/con/ngày) |
1 | 9,3 | 56 |
2 | 33,8 | 86 |
3 | 85,6 | 95 |
4 | 179,2 | 120 |
5 | 257,1 | 120 |
6 | 330,6 | 157 |
7 | 449,2 | 337 |
8 | 487,7 | 460 |
9 | 492,4 | 607 |
10 | 654,2 | 676 |
11 | 653,7 | 680 |
12 | 747,1 | 700 – 1000 |
13 | 758,5 | 700 – 1000 |
Giai đoạn gột đà điểu con phải cung cấp đủ nước uống, một ngày cần từ trên 4 lít nước sạch. Tuần đầu tiên có thể cho thêm đường, vitamin vào nước. Trung binh 4,5 lít nước cần 0,25kg đường, hòa tan theo đúng quy cách.
Đảm bảo nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. thường xuyên quan sát những phản ứng của chúng trong chuồng nuôi:
- Quá nhiệt: Chúng sẽ phân tán xa đèn sưởi, há miệng thở. Lúc này phải giảm nhiệt độ xuống.
- Thiếu nhiệt: Chúng sẽ tập trung dưới đèn sưởi, những con ở ngoài có thể sẽ run lên vì lạnh. Lúc này cần nâng nhiệt độ lên.
Đà điểu con được 20 ngày tuổi trở đi có thể cho ra sân tắm nắng, vận động trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không bị mưa
Kỹ thuật nuôi đà điểu thịt
Nuôi đà điểu thịt cần đảm bảo yên tĩnh, không có tiếng động lạ, không có các vật thể lạ, vật sắc nhọn, mảnh thủy tinh, túi bóng làm vướng chân đi lại.
Giai đoạn này cần bổ sung nhiều rau, cỏ tươi xanh, vitamin, chất đạm.
Chỉ tiêu | 0 – 2 tháng tuổi | 2 – 6 tháng tuổi | 6 – 10 tháng tuổi |
Thức ăn trong ngày (g/ngày/con) | 150 – 500 | 500 – 1655 | 1655 – 2000 |
Khối lượng cơ thể | 0,85 | 12 – 60 | 60 – 90 |
Phân chia thành từng nhóm nuôi, mỗi nhóm từ 15 – 20 con, duy trì với mật độ 1 – 2m2 chuồng/con và 15m2 sân chơi/con.hàng ngày cung cấp từ 4 – 7 lít nước sạch.
Kỹ thuật nuôi đà điểu sinh sản
Đà điểu có tuổi thành thục từ 24 – 26 tháng tuổi. Giai đoạn từ 1 – 12 tháng tuổi chăm sóc như ở trên. Từ 13 – 24 tháng tuổi mức ăn giảm xuống, tăng cường vận động.
Ở Việt Nam, đà điểu thường để vào tháng 12 năm trước đến tháng 8 – 9 năm sau. Thời gian còn lại sẽ thay lông.
Khả năng tiêu thụ thức ăn:
Tháng tuổi | Khối lượng (kg/con) | Thức ăn tinh (kg/con/ngày) | Thức ăn xanh (kg/con/ngày) |
13 | 111 | 1,6 | 1,5 |
14 | 117 | 1,6 | 1,5 |
15 – 24 | 120 – 130 | 1,2 – 1,5 | Tự do chăn thả |
Phân biệt đà điểu trống – mái: Từ 12 tháng tuổi trở đi, con trống sẽ cao hơn, lông đen, chân mỏ chuyển màu đỏ. Con mái hiền lành hơn, kích thước nhỏ. Từ 18 – 20 tháng tuổi bắt đầu cho ghép đàn để chúng làm quen với nhau.
Phối giống giữa đà điểu đực và cái thường diễn ra từ 6 – 9 giờ sáng và 14 – 16 giờ chiều. Một con trống khỏe mạnh có thể phối từ 10 -12 lần/ngày.
Đà điểu nuôi dưỡng tốt có thể đẻ từ 30 – 45 quả trứng/năm/mái, có con còn đẻ được 80 quả trứng/năm. Sau khi đẻ trứng, bà con tiến hành thu nhặt vào chiều muộn hoặc tối để tránh nguy cơ bị con trống tấn công.
6. Vận chuyển đà điểu
Thời gian vận chuyển đà điểu tốt nhất nên vận chuyển vào buổi sáng sớm, chiều muộn và tối.
Đối với con non, nhốt chúng vào các thùng nhựa hoặc carton chắc chắn để giảm tổn thương. Nếu vận chuyển đi xa thì phải tiếp nước glucose 100g/ lít nước. Sau khi đến nơi phải kiểm tra lại sức khỏe của chúng.
Vận chuyển đà điểu trưởng thành cần trùm đầu chúng bằng vật liệu tối có kích thước (14 – 16) x (28 – 33)cm có đục lỗ nhỏ ở mỏ. Nên đứng về một bên của đà điểu, không đứng phía trước để tránh những cú đá mạnh của chúng.
Cũng có thể dùng hộp để vận chuyển con trưởng thành, kích thước hộp 150 x 65 x 125cm có lỗ mở cho đầu và cổ hoặc dùng thanh gỗ đóng vách thưa.
Xe vận chuyển sạch sẽ, được sát trùng, sàn xe không trơn trượt, có vách ngăn chắc chắn, không gian rộng từ 0,8 – 1m2/con.
Nếu đi quãng đường dài hơn 10km thì giữa đường phải dừng lại cho chúng ăn và nghỉ ngơi 15 – 20 phút tránh mất sức.
Khi đưa xuống xe phải để chúng đi bình tĩnh, không đùn đẩy.
7. Phòng bệnh trên đà điểu
Đà điểu có thể bị nhiễm một số bệnh như trên gà vịt, thêm nữa nghề nuôi đà điểu còn khá mới nên công nghệ chăn nuôi phòng bệnh còn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó bà con cần chủ động phòng bệnh.
- Thường xuyên theo dõi, quan sát những biểu hiện bên ngoài, cách ăn uống, đi đứng, chất thải, mắt, màu sắc và độ óng mượt của bộ lông.
- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng xung quanh chuồng nuôi.
- Nguồn thức ăn cần tươi ngon, không bị nhiễm độc, không chứa chất bảo quản có hại.
Nếu đà điểu bị ốm, chúng sẽ có một số biểu hiện:
- Dáng vẻ chậm chạp, buồn bã, đầu và cổ gục xuống
- Chán ăn, bỏ ăn
- Đi lại uể oải, mệt mỏi, lờ đờ, dáng đi xiêu vẹo, không vững chắc.
- Đứng không cân đối, xương và cổ bị lệch.
- Tách đàn.
- Thở không bình thường
- Bụng thon nhỏ lại, lưng có đỉnh nhọn.
- Phân cứng, màu nhợt, có chất nhầy, nước tiểu đổi màu.
Khi có những biểu hiện trên, bà con phát hiện, chăm sóc hoặc gọi bác sĩ thú y càng sớm càng tốt, tránh rủi ro.
Trên đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi đà điểu. Hi vọng những kiến thức mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bà con phát triển và chăn nuôi hiệu quả tốt nhất.Chúc bà con thành công với mô hình chăn nuôi đà điểu!
Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:
Công ty CPĐT Tuấn Tú
VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869
Email: may3a.info@gmail.com
Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM
Hotline: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: https://may3a.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/
Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!
No comments yet.