Sử dụng hạt đậu tằm làm thức ăn trong chăn nuôi
Trong chăn nuôi hiện nay, bà con nông dân đã biết sử dụng hạt đậu tằm để chế biến thức ăn, nhằm đem lại khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi. Hạt đậu tằm có tên khoa học là Vicia faba L. thuộc họ đậu, cây thảo và có lịch sử trồng trọt cách đây 5000 năm. Hạt đậu tằm có nguồn gốc ở Địa Trung Hải, sau đó được trồng ở Châu Âu, theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Nội dung bài viết
I. Khái quát chung về hạt đậu tằm
– Đậu tằm được trồng phổ biến ở 47 nước. Năm 2003, diện tích cây đậu tằm trên thế giới vào khoảng 2.63 triệu ha, năng suất ước tính 15,3 tạ/ha, sản lượng 4,03 triệu tấn. Trong đó Trung Quốc và châu Phi là nơi trồng nhiều nhất. Đậu tằm được trồng tại Việt Nam lần đầu vào tháng 7/2009.
– Hạt đậu tằm có giá trị dinh dưỡng cao: protein 30%, 8 loại axit amin thiết yếu, tinh bột 49%, chất béo 0.8%. Do đặc điểm giàu đạm và tinh bột nhưng rất ít chất béo, hạt đậu tằm có thể dùng làm lương thực cho người và làm thức ăn chăn nuôi có giá trị.
– Hạt đậu tằm chín xanh có hàm lượng nước 70%, protein 13%, chất béo 0,7%, hợp chất hydratcacbon 11,7%, chất xơ thô 37,2%, tro 1,2% và các khoáng chất Ca, P, Fe, caroten, vitamin B1, B2, PP, C, có tiềm năng trở thành loại rau bổ dưỡng cho con người và cả vật nuôi.
– Mặc dù hạt đậu tằm giàu đạm, ít béo nhưng trong đậu có chứa chất kháng dinh dưỡng, cản trở khả năng hấp thụ của cơ thể người và vật nuôi. Hiện nay có thể sử dụng các biện pháp sinh lý hóa để xử lý chất kháng dinh dưỡng này để đem lại khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ đậu tằm tốt nhất cho con người và vật nuôi.
II. Điều kiện để trồng đậu tằm
1. Nhiệt độ
Đậu tằm là cây ôn đới, ưa khí hậu mát mẻ và ẩm ướt, có khả năng thích ứng cao.
– Nhiệt độ nảy mầm: thích hợp nảy mầm ở là 25oC, thấp nhất 3,8oC.
– Nhiệt độ phát triển: 14-16oC. Có thể chịu được 3-4oC
– Nhiệt độ ra hoa, thụ phấn: 15-22oC
2. Ánh sáng
Đậu tằm là cây ưa ánh sáng ngày dài, cần nhiều ánh sáng để đạt năng suất cao. Thiếu ánh sáng sẽ gây rụng hoa, giảm nốt sần ở rễ, giảm năng suất sinh học và năng suất hạt.
3. Nước
Đậu tằm là cây ưa ẩm, trong thời kỳ gieo hạt cần tưới đủ nước. Trong giai đoạn đầu sinh trưởng, hạn chế nước để rễ ăn sâu xuống đất, tăng nốt sần. Thời kỳ cây cho quả, cần tưới nhiều nước nhưng cần chú ý tránh để nước đọng, gây bệnh khô héo và rỉ sắt. Khi quả chín, lượng nước giảm dần.
4. Đất
Rễ đậu tằm phân bố trong tầng đất canh tác 30cm. Cần giữ cho đất có độ ẩm, tơi xốp để thoáng khí, thoát nước dễ dàng, như vậy rễ và các nốt sần mới phát triển tốt được. Độ pH phù hợp cho đậu tằm vào khoảng 6,2-8.
III. Sử dụng đậu tằm cho chăn nuôi
– Do giá trị dinh dưỡng cao, hạt đậu tằm đã được người dân sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cá, chăn nuôi bò sữa, bò thịt…
– Tại Trung Quốc, khi đưa đậu tằm vào khẩu phần thức ăn của cá trắm, thịt cá trở nên rắn chắc và thơm ngon hơn so với phương pháp nuôi bằng thức ăn thông thường. Ở nước ta vào năm 2009, người dân bắt đầu thử nghiệm dùng đậu tằm để nuôi cá chép, đem lại sản phẩm thịt cá thơm ngon vượt trội hơn cá trắm.
– Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển phong trào nuôi cá chép giòn bằng hạt đậu tằm. Hạt đậu tằm là nguồn thức ăn dinh dưỡng giàu đạm cho cá, kích thích cá tăng trưởng nhanh, thịt cá giòn, chắc, thơm ngon. Cá chép giòn đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi, giá cả ổn định từ 180.000 – 250.000đ/kg tại bè nuôi và 400.000đ/kg tại các nhà hàng ẩm thực cao cấp.
– Ngoài ra trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, sử dụng hạt đậu tằm phối trộn với các nguyên liệu khác như cám gạo, cám ngô, khoai lang, khoai mì…trở thành nguồn thức ăn tinh giàu đạm, giàu tinh bột cho vật nuôi. Giúp nâng cao chất lượng thịt, chất lượng sữa của vật nuôi, từ đó đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.
No comments yet.