Áp dụng “công nghệ xanh” – hướng đi mới trong chăn nuôi
Thời gian vừa qua giá thịt lợn hơi nuôi bằng cám công nghiệp được xuất sang Trung Quốc đột ngột giảm mạnh, mặt khác, thị trường trong nước lại ít tiêu thụ dòng thịt này, khiến nhiều chủ trang trại lo lắng. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù giá thịt lợn công nghiệp đã tăng nhưng vẫn chưa đi vào quỹ đạo. Nguyên nhân chính của sự rớt giá này là do các nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh ngừng nhập khẩu nguyên liệu trước và sau dịp Tết. Để giải quyết vấn đề này, phương pháp hiệu quả cho bà con chủ động nguồn thức ăn đầu vào và nguồn thịt đầu ra là thay đổi cách thức chăn nuôi theo hướng “công nghệ xanh”.
Người nuôi lợn công nghiệp lao đao
Trước dịp Tết, nhiều trang trại và các hộ gia đình chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp lâm vào tình trạng “khóc dở, mếu dở” vì thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Chưa bao giờ giá lợn hơi xuất chuồng của bà con nông dân lại xuống thấp như vậy. Đầu năm 2017, giá lợn hơi liên tục giảm, tại chuồng là 37.000 đồng/kg xuống còn dưới 30.000 đồng/kg.
Nguyên nhân được cho là các thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua lợn siêu nạc với giá cao vào giữa năm trước. Việc thu mua nhằm mục đích cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp để sản xuất nhiều loại thực phẩm ăn liền như xúc xích, thịt nguội, pa – tê hay các suất cơm bụi trong thành phố. Thời gian thu mua rơi vào giữa năm nên lúc này nguồn cung không đủ cầu đẩy giá lợn công nghiệp tăng cao. Thấy được lợi nhuận, bà con tiếp tục tăng đàn cho các lứa lợn. Gần đến những ngày giáp Tết, Trung Quốc hạn chế dần việc thu mua lợn do đã đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đồ đông lạnh. Chu kì thu mua này của Trung Quốc thường diễn ra như vậy. Tuy nhiên, bà con chăn nuôi vẫn khó lòng dự đoán được nên hễ thấy giá cao là phát triển đàn dẫn tới tình trạng “bị động thị trường”.
Trên thực tế, thị trường Việt Nam có 2 loại thịt lợn khác nhau. Một loại được nuôi theo hướng công nghiệp, một loại được nuôi theo hướng “công nghệ xanh” – không sử dụng cám tăng trọng. Loại thịt lợn nuôi theo hướng công nghệ xanh được tiêu thụ rộng rãi trong nước. Còn loại thịt lợn nuôi bằng phương pháp công nghiệp chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Đặc biệt, với những đàn lợn công nghiệp khi đã đến lứa, cần phải xuất chuồng ngay bởi chúng có tuổi thọ thấp và chỉ ăn các loại cám công nghiệp. Nếu bà con nuôi cầm chừng trong thời gian dài để chờ giá lợn tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Vì hiện tại, mỗi bao cám tăng trọng có giá từ 250.000 – 350.000 đồng/bao. Trung bình trong một tháng, bà con đã lỗ mất gần 1 triệu đồng/con. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Những hộ nuôi nhỏ, quy mô dưới 100 con phải mua nợ đại lý tiền cám. Có những hộ buộc phải bán lợn khi mới 30-40 kg với giá chưa tới 1,5 triệu đồng/con để cắt lỗ”.
Giá lợn nuôi bằng phương hướng “công nghệ xanh” vẫn ổn định
Tại các siêu thị, khu chợ lớn nhỏ trong nước, giá thịt lợn đen, thịt lợn nuôi bằng phương pháp “công nghệ xanh” vẫn giữ mức ổn định. Cụ thể, giá bán lẻ dao động từ 95 – 140.000 đồng/kg. Sự khác biệt này xuất phát từ chất lượng thịt sạch và an toàn. Với quy trình chăn nuôi tự nhiên là sử dụng nguồn thức ăn xanh như rau bèo, ngô và các loại cám tự sản xuất nên sản phẩm giữ được hương vị thơm ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng. Còn với lợn nuôi bằng cám công nghiệp, có lớp mỡ dày, khi chế biến xuất hiện váng đục và ra nhiều nước. Mặc dù hiện nay, giá thịt lợn công nghiệp rẻ hơn rất nhiều so với giá thịt lợn đen nhưng đa phần người tiêu dùng không lựa chọn cho bữa cơm gia đình của mình.
Mới đây, Cục Chăn nuôi khuyến khích người nông dân chuyển sang tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống, thức ăn cho đến việc chế biến. Để làm được điều đó, bà con nên sử dụng cách chăn nuôi tập trung bằng nguồn thức ăn sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, không sử dụng chất tạo nạc. Ngoài ra, để giảm thời gian trong chế biến thức ăn, nâng cao chất lượng thịt, tăng hiệu quả kinh tế thì việc sử dụng các sản phẩm máy móc chuyên dụng thay thế sức lao động như máy băm nghiền đa năng, máy nghiền ngô, máy ép cám viên là sự lựa chọn tối ưu. Riêng, đối với những trang trại hay các hộ gia đình chăn nuôi lợn thịt với số lượng lớn nên lựa chọn phương pháp men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên hay phế phẩm nông nghiệp giúp tiết kiệm tối đa chi phí chăn nuôi.
Như vậy, bà con chăn nuôi lợn thịt thương phẩm theo mô hình “công nghệ xanh” sẽ tạo ra một thị trường bền vững bởi xu thế lựa chọn nguồn thức ăn sạch ngày càng được chú trọng hơn trước.
Hồng Thắm
Video sử dụng Máy băm nghiền đa năng 3A2,2Kw kiểu phễu tròn
No comments yet.