Nuôi lợn sạch, cung không đủ cầu

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn nên sản lượng thịt lợn của năm 2019 ước tính chỉ đạt từ 200 – 220 nghìn tấn/ năm, tương ứng 60 – 65% nhu cầu tiêu thụ, thiếu hụt khoảng 90 – 100 nghìn tấn thịt cần cung ứng. Trước tình hình đó, nuôi lợn sạch sẽ là hướng chăn nuôi có tiềm năng phát triển mạnh và bền vững giúp các nông hộ, trang trại, hạn chế tối đa rủi ro trong chăn nuôi.

Tham quan một mô hình nuôi lợn sạch hướng hữu cơ

Tham quan một mô hình nuôi lợn sạch hướng hữu cơ

1. Nuôi lợn sạch là hướng chăn nuôi bền vững

Nuôi lợn là trọng điểm của ngành chăn nuôi nhằm cung cấp sản lượng thịt tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, các nông hộ, trang trại nuôi lợn đang phải đối mặt với thách thức lớn trước tình hình dịch bệnh và những yêu cầu khắt khe của thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, hậu quả khó lường. Tại Khánh Hòa, chỉ 2 tháng gần đây, số lợn buộc phải tiêu hủy chiếm hơn 50% tổng đàn; Tại huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh (Cam Ranh), đến giữa tháng 10 đã phải tiêu hủy hơn 7.800 con lợn mắc bệnh…

Nhìn chung, thịt lợn vẫn là một nguồn thực phẩm rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Chính vì thế, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: “Chúng ta xác định phải sống chung với dịch tả lợn Châu Phi. Và chắc chắn vẫn phải tái đàn, nhưng tái đàn như thế nào cho đúng hướng, đúng cách trong tình hình hiện nay.”

Theo đó, hướng chăn nuôi bền vững cho bà con chính là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để chăn nuôi lợn sạch, tổ chức mô hình chăn nuôi khép kín, sử dụng trang thiết bị máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Nuôi lợn sạch cũng là xu hướng tất yếu để hạn chế vấn đề dịch bệnh, cung ứng sản lượng thịt đảm bảo an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Các mô hình nuôi lợn sạch trong nước

Nhạy bén trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những yêu cầu khắt khe của thị trường đầu ra, hiện nay trên địa bàn cả nước đã có rất nhiều nông hộ, trang trại chuyển hướng sản xuất thịt lợn hữu cơ khép kín bằng cách áp dụng theo mô hình chăn nuôi của VietGap, sử dụng chế phẩm sinh học EM hoặc chăn nuôi bằng thảo dược… Chính vì thế, trong khi ngành chăn nuôi lợn nói riêng vẫn đang lao đao vì dịch tả bùng phát, lây lan nhanh, thiệt hại lớn thì những mô hình này lại có nguồn thu nhập ổn định, lãi cao.

Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap tại Vĩnh Phúc

Anh Nguyễn Văn Tuấn quyết định khởi nghiệp với một trang trại chăn nuôi lợn rộng 1.500m2 tại Phúc Yên. Đến thời điểm hiện tại, trang trại đã mở rộng với 4 dãy chuồng, 500 con lợn nái, 7.000 – 8.000 con lợn thịt, mỗi ngày giết mổ khoảng gần 100 con. Tất cả các quy trình kỹ thuật từ khâu thiết kế chuồng trại, xử lý nguồn nước đến công đoạn chăm sóc, giết mổ đều được xây dựng theo mô hình khép kín, sử dụng trang thiết bị máy móc hiện đại.

Nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại Vĩnh Phúc

Nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại Vĩnh Phúc

Quan trọng nhất chính là nguồn thức ăn chăn nuôi phải được kiểm định nghiêm ngặt, không chứa chất cấm, chất kích thích tăng trọng, chủ yếu tận dụng đỗ tương, cám gạo, bột cá… Hiện nay, trang trại lợn sạch mang tên Phát Đạt của anh Tuấn đã trở thành cơ sở đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGap ở Vĩnh Phúc, cung ứng sản lượng thịt cho các công ty, siêu thị lớn ở miền Bắc.

Mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học EM tại Sóc Sơn

Sử dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM (Effective Microorganism) của Nhật Bản là hướng đi mới được áp dụng cho mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt Bảo Châu ở huyện Sóc Sơn. Không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, trang trại này còn tìm hiểu và ứng dụng chế phẩm sinh học gốc EM để ủ lên men các loại hạt ngũ cốc kích thích đàn lợn ăn nhiều, tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng đối với mầm bệnh, giảm thiểu tối đa rủi ro trong chăn nuôi. Nhờ đó mỗi năm trang trại này cung cấp cho thị trường khoảng 300 tấn thịt lợn.

Nuôi lợn sạch sử dụng chế phẩm sinh học EM tại Sóc Sơn

Nuôi lợn sạch sử dụng chế phẩm sinh học EM tại Sóc Sơn

Mô hình chăn nuôi lợn sạch bằng thảo dược tại Nam Định

Tận dụng được nguồn thảo dược dồi dào, sẵn có ở quê, kết hợp với các loại hạt ngũ cốc, phụ phẩm trong ngành chế biến… nông dân Ngô Văn Thục (Nam Định) đã xây dựng thành công mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược. Các loại thảo dược được sử dụng phổ biến như khổ sâm, kim ngân, quế chi, hoàn ngọc, hoa hồi, đinh lăng… giúp tăng sức đề kháng, hạn chế mầm bệnh, giải độc, kháng khuẩn  cho đàn lợn.

Nuôi lợn sạch bằng thảo dược tại Nam Định

Nuôi lợn sạch bằng thảo dược tại Nam Định

Bên cạnh đó, anh Thục còn tìm hiểu và sử dụng chế phẩm sinh học EM để ủ lên men hạt ngũ cốc, tự chế biến thức ăn chăn nuôi thay vì phụ thuộc vào thị trường. Nhờ đó, giá lợn hơi của gia đình vẫn giữ ở mức ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

3. Quy trình nuôi lợn sạch

Giống – thức ăn – chuồng trại là 3 yếu tố có liên quan mật thiết với nhau,  ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng thịt. Do đó khi xây dựng quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ, bà con cần nắm được yêu cầu về thiết kế chuồng trại, quy cách chọn giống, phối trộn thức ăn và chăm sóc, phòng bệnh.

3.1 Thiết kế chuồng trại nuôi lợn

Chuồng nuôi phải phù hợp với từng loại lợn, đảm bảo độ thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, ít khí độc, ít bụi, ít vi khuẩn nhất. Địa điểm làm chuồng phải nằm trong tổng thể quy hoạch của địa phương để có định hướng phát triển bền vững, lâu dài cho trang trại nói riêng và cả nền nông nghiệp sinh thái nói chung. Chuồng nuôi lợn phải có biện pháp phòng cháy chữa cháy, phòng chống  sét.

Chuồng trại đặt ở cuối hướng gió, bố trí khu chuồng về hướng Tây Bắc hoặc Tây Nam để tránh đưa mùi vào khu dân cư, nhà ở. Vị trí làm chuồng yêu cầu cao ráo, thoáng mát, không gần đường giao thông.

Thiết kế chuồng trại nuôi lợn sạch

Thiết kế chuồng trại nuôi lợn sạch

Khi quy hoạch, thiết kế chuồng trại cần phải xây dựng các nhóm công trình sau:

  • Khu vực chuồng nuôi chính, khu chứa phân và hầm biogas.
  • Khu vực chế biến thức ăn chăn nuôi.
  • Khu chuồng cách ly lợn bị bệnh và trạm thú ý.
  • Khu vực cấp, trữ nguồn nước dùng để chăn nuôi lợn. Trường hợp nước nhiễm phèn, mặn, kim loại nặng… cần có hệ thống máy móc xử lý.

Riêng trong khu vực chuồng nuôi, các trang trại có quy mô lớn cần xem xét, phân chia thành các khu vực chuồng nuôi riêng biệt, cụ thể:

  • Khu chuồng nuôi lợn đực giống
  • Khu chuồng nuôi lợn sinh sản
  • Khu chuồng nuôi lợn con sau khi cai sữa
  • Khu chuồng nuôi lợn nái hậu bị
  • Khu chuồng nuôi lợn thịt

Yêu cầu khi làm chuồng nuôi lợn sạch phải có độ thông thoáng khí, không thể làm kín như các nước ở vùng ôn đới. Trường hợp với chuồng nuôi lợn nái cần không chế độ ẩm và nhiệt độ thì bên trong chuồng cũng phải có hệ thống thông gió.

Yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi:

Phân loại Nhiệt độ (℃) Độ ẩm (%)
Tối thiểu (℃) Tối thích (℃)
Lợn mới đẻ 23,9 29,4 70%
Lợn nái 12,8 18,3
Lợn con 12 23,8 – 26,7 70 – 80%
Lợn con cai sữa   15 – 18 60 – 80%
Lợn hướng thịt   14 – 22

Yêu cầu về độ thoáng khí trong chuồng nuôi:

  • Đối với lợn có trọng lượng trên dưới 40kg, yêu cầu độ thoáng khí tối đa là 0,54 – 0,675m3/phút.
  • Đối với lợn thịt chuẩn bị xuất bán, độ thoáng khí tối thích là 35m3/phút.
  • Đối với lợn nái, mùa hè độ thoáng khí đạt 170m3/giờ, mùa đông từ 42,5m3/giờ.

Diện tích trong chuồng nuôi cần đảm bảo:

Phân loại Diện tích (m2/con)
Lợn đực giống 3 – 4m2/con
Lợn hậu bị 2 – 2,2m2/con
Lợn nái chửa 2m2/con
Lợn nái nuôi con 5m2/con
Lợn thịt từ 10 – 40kg/con 0,3 – 0,4m2/con
Lợn thịt từ 40 – 110kg/con 0,5 – 0,6m2/con

Trong chuồng phải bố trí đầy đủ máng ăn, máng uống – tốt nhất nên cơ giới hóa, sử dụng máng ăn tự động và núm uống nước để vừa tránh lãng phí nguồn thức ăn, vừa hạn chế ô nhiễm, mầm bệnh lây lan, giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô thoáng.

Đặc biệt, khi thiết kế chuồng lợn nái, cần ngăn thành từng ô cho: lợn nái hậu bị, lợn nái chửa, lợn chờ phối, cũi lợn nái đẻ, cũi lợn con cai sữa sớm.

3.2 Chọn con giống

Lựa chọn lợn giống nuôi lợn sạch

Lựa chọn con giống đạt tiêu chuẩn

Chọn giống là khâu quan trọng trong quy trình nuôi lợn sạch. Để đạt sản lượng tốt, dù từ gây dàn hay mua giống từ bên ngoài, bà con cũng nên chọn mua giống:

  • Lợn con phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ ông bà, bố mẹ đều có phẩm chất tốt, khỏe mạnh, không bị mắc bệnh.
  • Lợn con sau khi cai sữa từ 45 – 55 ngày tuổi đạt khối lượng từ 10 – 15kg/ con. Tốt nhất nên lựa chọn những con cùng lứa, cùng đàn, nuôi theo hình thức: cùng vào – cùng ra.
  • Chọn những con lợn có 12 vú trở lên, số vũ chẵn sẽ có những đặc tính tốt của bố mẹ.
  • Nếu chọn giống lợn Yoóc Sai thì chọn con có tai đứng, còn nếu lấy giống Landrace thì chọn con tai rủ về phía trước.
  • Đặc biệt khi chọn lợn hướng thịt thì lợn giống có đặc điểm thân hình cân đối, mình dài, bụng thon gọn, mông tròn, chân chắc chắn, da mỏng, hồng hào.
  • Chọn những con mắt tinh, nhanh nhẹn, ham ăn, chạy nhảy khỏe mạnh.
  • Nếu mua giống ở bên ngoài thì giống lợn phai được tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả, bệnh phó thương hàn trước khi tách mẹ từ 7 – 10 ngày thì sức đề kháng với bệnh mới tốt. Đàn lợn mới bắt về cần được nuôi cách ly, theo dõi để đảm bảo không mang mầm bệnh từ bên ngoài vào chuồng nuôi.

3.3 Thức ăn và nước uống

Lợn là động vật ăn tạp với nguồn thức ăn phong phú từ động – thực vật. Tuy nhiên khi áp dụng mô hình chăn nuôi lợn sạch khép kín, bà con cần hạn chế hoặc không sử dụng cám công nghiệp, thay vào đó là thực ăn sẵn có tại địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không chứa kháng sinh nằm trong danh chất cấm do Bộ Nông nghiệp ban hành.

Nuôi lợn sạch sử dụng thảo dược

Nuôi lợn sạch sử dụng thảo dược

Nguồn thức ăn cho lợn

  • Thức ăn hạt: ngô, đậu tương, thóc, gạo, cao lương…
  • Thức ăn thô xanh: rau bèo, rau muống, rau lấp, bèo dâu, bèo tấm, bèo tây, tảo biển
  • Thảo dược: khổ sâm, kim ngân, quế chi, hoàn ngọc, hoa hồi, đinh lăng…
  • Thức ăn củ quả: khoai lang, khoai tây, sắn, khoai sọ, bí đỏ
  • Thức ăn cung cấp protein động vật: bột thịt, bột cá, bột tôm, bột thịt xương, bột máu, bột đầu tôm
  • Thức ăn từ phụ phẩm: bã đậu nành, khô dầu đậu nành, khô đầu lạc, khô dầu vừng, khô dầu dừa…
  • Thức ăn bổ sung: vitamin, premix khoáng, rỉ mật đường, chế phẩm sinh học EM…

Trang thiết bị máy móc để sản xuất thức ăn cho đàn lợn sạch

Cơ giới hóa trong sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn theo hướng khép kín, an toàn là một trong những xu hướng tất yêu của các trang trại. Theo đó để chủ động tạo ra thức ăn cho đàn lợn sạch, bà con nên quan tâm đến các thiết bị máy móc như:

  • Máy băm nghiền đa năng dùng để băm và nghiền nhuyễn các loại hạt ngũ cốc, rau bèo, thảo dược… 
  • Máy trộn thức ăn chăn nuôi dùng để phối trộn các loại bột với nhau để nguồn thức ăn sau khi chế biến đảm bảo tính đồng đều về chất lượng, nguồn dinh dưỡng, rút ngắn thời gian chế biến, đảm bảo an toàn
  • Máy ép cám viên là một trong những thiết máy quan trọng để hoàn thiện quy trình sản xuất thức ăn khép kín. Nguồn nguyên liệu sau khi phối trộn đều với nhau theo tỉ lệ thích hợp sẽ được đưa vào máy để ép thành viên cám chất lượng tốt nhất giúp đàn lợn ăn nhiều, dễ ăn, hạn chế lãng phí, phát triển đồng đều và khỏe mạnh…

Nông hộ nuôi lợn sạch tại Mê Linh, Hà Nội sử dụng máy ép cám viên 3A11Kw

Sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn sạch

Ngoài cám viên, bà con có thể áp dụng phương pháp ủ lên men, ủ chua các loại rau xanh để kích thích hệ tiêu hóa, miễn dịch, cung cấp nguồn vitamin và lợi khuẩn cho đàn lượn trong trang trại.

Cách ủ thức ăn cho lợn:

  • Chuẩn bị các nguyên liệu: rau muống, rau bèo, thân cây chuối, rau lang đem băm nhỏ thành các đoạn khoảng 5 – 10mm.
  • Đem nguyên liệu đã băm ra phơi héo dưới ánh nắng khoảng 2 – 4 giờ để giảm lượng nước. Nắm lấy một nắm rau xanh đã phơi héo, nếu mở tay ra mà không bị bung ra thì đạt.
  • Phối trộn theo tỉ lệ: rau xanh các loại 93,5% + muối ăn 0,5% + bột sắn 6%.
  • Trộn muối với bột sắn sau đó đem trộn đều với các loại rau xanh rồi cho vào túi ủ chua, nén lại thật chặt. Sau khoảng 14 ngày có thể đem cho lợn ăn.

3.4 Biện pháp phòng bệnh

Để hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan, gây thiệt hại, các trang trại chăn nuôi lợn sạch cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh.

Chuồng nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, nếu trong chuồng có chất độn chuồng thì phải quét dọn, thay thường xuyên.

Định kỳ sát trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi, sân vườn, lối vào kho bằng dung dịch formol 2% hoặc crezyl 3%… Với khu vực chuồng nuôi thì 1 lần/tuần, khu vực xung quanh kì 2 lần/tháng.

Lưu ý, nguyên liệu được sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi phải được kiểm tra về  màu sắc, mùi vị, độ ẩm trước khi phối trộn. Tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu bị ẩm mốc, mối mọt, hàm lượng độ ẩm cao bất thường.

Dụng cụ, thiết bị máy móc sử dụng để phối trộn thức ăn cần được rửa sạch sẽ trước khi dùng. Sau mỗi lần dùng, tiến hành vệ sinh, loại bỏ hết tạp chất còn thừa trong máy, tránh tình trạng mốc, thối rữa ảnh hưởng đến các lần sử dụng tiếp theo.

Tiến hành tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho đàn lợn. Trong thời gian khoảng 3 – 4 tháng, nếu lợn đã tiêm phòng mà khu vực xung quanh bị dịch bệnh thì không cần phải tiêm phòng lại.

Nuôi lợn sạch cần chú ý tuân thủ tiêm phòng đầy đủ

Tiêm phòng đầy đủ cho lợn

3.5 Xử lý chất thải chăn nuôi

Trong mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch, bà con cần quan tâm đến vấn để xử lý chất thải chăn nuôi. Hàng ngày phải dọn dẹp chuồng nuôi, thu gom chất thải rắn đúng quy cách. Đối với chất thải lỏng thì cần có đường ống xử lý riêng để đảm bảo không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Xây dựng hầm biogas là phương án hữu hiệu đang được áp dụng phổ biến hiện nay. hầm biogas vừa sạch sẽ, tận dụng được chất đốt.

Đối với các trang trại có quy mô rộng lớn, chất thải hàng ngày nhiều thì  các chủ trang trại có thể sử dụng dây chuyền ép viên phân để tái sử dụng, tạo thành viên phân bón hữu cơ an toàn cho cả đất và cây trồng,. Nguồn thu hoạch từ cây trồng lại chính là nguyên liệu sản xuất thức ăn cho lợn. Từ đó xây dựng được mô hình khép kín, tối ưu hóa mọi chi phí, hạn chế sức ép lên môi trường.

Tóm lại, nuôi lợn sạch là hướng đi phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay, giúp các trang trại hạn chế phụ thuộc vào sự bấp bênh của thị trường giá cả, tình hình dịch bệnh, cung ứng đủ cho thị trường trong và ngoài nước. Chúc bà con sớm thành công với mô hình trang trại nuôi lợn sạch!